Biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Giỗ tổ Hùng Vương được tổ chức trọng thể hàng năm vào ngày mồng Mười tháng Ba Âm lịch tại Đền Hùng, làng Cổ Tích, phường Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Khu vực Đền Hùng là một vùng đất bán sơn địa, đột ngột có vài ngọn núi vượt vút lên làm cao điểm. Núi Hùng còn có tên gọi núi Nghĩa Lĩnh, núi Cả; là ngọn sơn khối lớn nhất vùng, cùng với núi Trọc, núi Vặn đều có độ cao vượt trội trên 100 m, là ba ngọn tổ sơn được cư dân địa phương truyền ngôn là “Tam sơn cấm địa” (3 ngọn núi cấm, núi thiêng).
Núi Hùng trông xa giống như đầu một con rồng lớn, mình rồng uốn lượn thành núi Trọc, núi Vặn… Phía sau núi Hùng là dãy đồi từ Phú Lộc đến Thậm Thình là 99 con voi chầu về Đất Tổ. Phía trước là ngã ba Bạch Hạc với sự hợp lưu của ba dòng sông lớn nhất miền Bắc nước ta: Sông Hồng, sông Đà, sông Lô cùng hàng chục quả đồi thấp tựa như đàn rùa bò từ ao nước lên. Phía bên phải là quả đồi Khang Phụ là hình một con hổ phục. Phía bên trái là quả đồi An Thái hình vị một tướng quân bắn nỏ. Làng Cổ Tích bên chân núi, nằm trên lưng một con ngựa ghì cương. Xa xa phía Tây là dòng sông Thao nước đỏ, phía Đông dòng sông lô nước xanh tựa như hai dải lụa màu viền làm ranh giới của cố đô xưa. Cảnh thế trông ngoạn mục, hùng vĩ, có nước, có non, có thấp, có cao, đất đầy khí thiêng của sông núi với bốn mùa xanh ngắt thâm u. Nơi này, hội tụ đủ linh khí, trở thành vùng đất phong thủy, địa linh. Truyền thuyết kể rằng: Các vua Hùng đi khắp mọi miền của Tổ quốc, cuối cùng mới chọn được vùng đất sơn thủy hữu tình này làm đất đóng đô.
Sách “Đại Nam Nhất thống chí” thời Nguyễn chép: Thành cổ ở sau chùa Hoa Long, thôn Việt Trì, huyện Bạch Hạc có một gò đất, tương truyền đó là nền thành cũ (của vua Hùng). Sách “Đại Việt sử ký Toàn thư” cũng chép “Hùng Vương đóng đô ở Phong Châu”, “nay là huyện Bạch Hạc. Cứ như thế thì chỗ này ngờ rằng nền cung điện cũ của Hùng Vương”.
Dưới thời phong kiến, ngày Giỗ tổ Hùng Vương rất được coi trọng. Năm chẵn có quan Thượng thư Bộ lễ đại diện cho triều đình, năm lẻ do quan tuần phủ Phú Thọ làm chủ tế, tri huyện Lâm Thao, Phù Ninh làm bồi tế. Dân sở tại Hy Cương được cấp ba quan tiền và 5 đấu gạo nếp thơm làm lễ vật cúng tế Vua Hùng.
Từ sau Cách mạng tháng 8 năm 1945 đến nay, tỉnh Phú Thọ chủ trì tổ chức Giỗ tổ đều có đại diện của nhà nước về dâng hương. Năm 1946, cụ Huỳnh Thúc Kháng – Quyền Chủ tịch nước đã thay mặt Chính phủ về tham dự. Năm 2000, đồng chí Nông Đức Mạnh lúc đó là Chủ tịch Quốc hội; năm 2001 Thủ tướng Chính Phủ Phan Văn Khải và năm 2010 là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng… đều về dự lễ, chủ trì lễ dâng hương trong ngày Giỗ tổ mồng Mười tháng Ba Âm lịch.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã hai lần về thăm Đền Hùng (19.9.1954 và 19.8.1962). Người căn dặn: “Các vua Hùng đã có công dựng nước – Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Người còn nhắc: “Phải chú ý bảo vệ trồng thêm hoa, thêm cây cối để Đền Hùng ngày thêm trang nghiêm và đẹp đẽ, thành công viên lịch sử để con cháu sau này tới tham quan”. Từ năm 2001, nhà nước đã quy định Giỗ tổ Hùng Vương là Quốc lễ. Vào lúc 12 giờ 9 phút (giờ Paris) ngày 6.12.2012, tại thủ đô của nước Cộng hòa Pháp, trong kì họp thứ 7 Ủy ban Liên chính phủ của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa UNESCO của Liên Hợp Quốc đã công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Mạch nguồn của cha ông
Từ ngàn đời nay, trong đời sống tâm linh của người Việt, vua Hùng luôn có vị trí quan trọng đặc biệt như một biểu tượng văn hóa, một thực thể tâm linh thiêng liêng. Chính vì thế, từ hàng trăm năm nay, từ cội nguồn dân tộc ở châu thổ Bắc Bộ, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được cha ông ta mang theo như một tài sản quý trong suốt hành trình mở cõi trên những vùng đất mới. Hệ thống các di tích thờ Hùng Vương trên cả nước là minh chứng vật chất sinh động về sự lan tỏa của hình thức tín ngưỡng đặc biệt này. Theo số liệu thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cả nước hiện có 1.417 di tích thờ Vua Hùng và các nhân vật thời Hùng Vương. Chỉ tính riêng tỉnh Phú Thọ hiện có 345 di tích thờ cúng Hùng Vương (trong đó có 35 di tích thờ Hùng Vương, 310 di tích thờ nhân vật thời Hùng Vương).
Đền Hùng là trung tâm của không gian văn hóa tín ngưỡng thờ cúng những người đã có công dựng nước – Hùng Vương – tổ tiên của cộng đồng dân tộc Việt Nam; là trung tâm thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương lâu đời nhất trong lịch sử Việt Nam. Theo dòng chảy của thời gian và kí ức, trải qua bao biến cố thăng trầm; di sản vẫn trường tồn và phát triển. Đó là sự hồi cố, kết tinh và tỏa sáng của văn hóa Lạc Việt, văn minh lúa nước, văn minh sông Hồng.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã thấm vào máu thịt của cộng đồng người Việt, tích hợp nhiều giá trị văn hóa quý báu của dân tộc để lan tỏa, bồi đắp, góp phần tạo nên bản sắc độc đáo cho tinh thần và văn hóa Việt Nam. Trong tâm thức của người Việt, tinh thần gia tộc, tình nghĩa đồng bào, tình đoàn kết gắn bó của người Việt sẽ mạnh mẽ hơn, bền chặt hơn. Bởi vì, họ không chỉ cùng một huyết thống mà họ còn có mối quan hệ hết sức thần bí là cùng sinh ra từ “một bọc trăm trứng”. Đó là một sức mạnh, sự cổ vũ tinh thần giúp người Việt quy tụ về một mối mỗi khi đất nước gặp thiên tai, địch họa. Và chính lịch sử đã minh chứng hùng hồn về sức mạnh đoàn kết của người Việt, gắn kết cả dân tộc lại thành một làn sóng mạnh mẽ, nhấn chìm tất cả kẻ thù lớn mạnh hơn mình gấp trăm vạn lần.
Thiên anh hùng ca lịch sử về truyền thống dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc
Trước hết, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương mang giá trị đạo đức truyền thống. Ở Việt Nam trong mỗi gia đình đều có bàn thờ tổ tiên được đặt ở nơi trang trọng nhất, ở làng xã là thờ thành hoàng làng, ở góc độ quốc gia dân tộc đó là thờ vua tổ của một nước – Hùng Vương. Ý thức về tổ tiên và các vua Hùng, về những người có công với dân, với nước mang lại giá trị nhân văn sâu sắc. Nó khởi phát mối thiện tâm trong mỗi con người, trong cộng đồng xã hội, nhắc nhở con người hành động theo các chuẩn mực và củng cố niềm tin vào sự chứng giám, che chở, kì vọng của tổ tiên – các Vua Hùng.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương mang giá trị lòng yêu nước bởi đây là sự tôn trọng, sùng bái công lao to lớn của các Vua Hùng. Ý thức về Vua Hùng cũng chính là ý thức về cội nguồn dân tộc, đất nước từ đó hình thành tinh thần tự cường dân tộc, ý thức về độc lập tự chủ. Dân tộc ta trải qua biết bao thăng trầm với biết bao cuộc chiến tranh nhưng lòng yêu nước, ý thức độc lập tự chủ được các thế hệ người Việt tiếp nối nhau chưa bao giờ tắt, tạo nên một giá trị đặc trưng nổi bật trong hệ thống giá trị đạo đức của người Việt.
Theo GS Nguyễn Chí Bền, ở phương diện xã hội, giá trị của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là sự thể hiện tính cố kết cộng đồng, truyền thống đoàn kết dân tộc. Có thể coi tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương như một sợi chỉ đỏ kết nối quá khứ với hiện tại, là bệ đỡ tâm linh cho các thế hệ con người Việt Nam. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là điểm hội tụ văn hóa tâm linh, là biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Ở cấp độ quốc gia, tính cố kết cộng đồng được thể hiện qua Lễ hội Đền Hùng là ngày hội chung của dân tộc, là nơi quy tụ con Lạc, cháu Hồng khắp mọi miền tổ quốc. Giỗ tổ Hùng Vương vừa là niềm tự hào, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là biểu tượng cội nguồn quốc gia, dân tộc, phản ánh ý thức hệ sâu sắc, sự minh triết được cha ông ta truyền lại cho đến hôm nay nên mang giá trị lịch sử rõ nét. Tín ngưỡng không phải là lịch sử đích thực, mà là lịch sử hiện lên phản ánh qua cảm xúc, qua niềm tin, là ý thức của người dân về lịch sử. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là quá trình lịch sử hóa và huyền thoại hóa đan xen. Kết hợp giữa các di tích lịch sử, di chỉ khảo cổ cho ta thấy một thời đại Hùng Vương rực rỡ và thể hiện rõ nét một nhà nước Văn Lang cổ đại, trung tâm khởi phát của người Việt cổ.
Khi kinh tế xã hội ngày càng phát triển thì nhu cầu đời sống tinh thần ngày càng lớn. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương mang giá trị văn hóa tâm linh sâu sắc. Đời sống vật chất, các giá trị văn hóa tâm linh giúp con người cân bằng trong thực tại. Ý thức về tổ tiên giúp con người có niềm tin, tạo nên động lực giúp con người vượt qua cái trần tục đời thường, thúc đẩy tìm tòi vượt qua trạng thái hiện tồn để hướng về phía trước. Bên cạnh đó, giá trị văn hóa tâm linh của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương còn thể hiện ở chỗ hướng con người tới cái chân – thiện – mĩ, cái cao cả mà con người luôn ước vọng, tôn thờ.
Từ ngàn xưa và mãi mãi mai sau, trong tâm thức của đồng bào Việt Nam thì “vua Hùng”, “tổ Hùng”, “con Hồng cháu Lạc”, “dòng dõi Lạc Hồng”, luôn là biểu tượng cao đẹp thiêng liêng. Đó là biểu tượng cao đẹp nhất trong truyền thống đạo nghĩa “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, với quan hệ đồng tộc, đồng bào, tổ tiên của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam.