Nhiều hoạt động sáng tạo
Với 2 tuần chuẩn bị, từ khâu lên ý tưởng, hoàn thiện kịch bản, casting đến tập luyện, các em học sinh khối 10, 11 Trường Phổ thông liên cấp Olympia (Hà Nội) đã trình diễn thành công vở tuồng hài “Nghêu – Sò – Ốc – Hến” . Vốn là tuồng tích dân gian, nhưng khi chuyển qua ngôn ngữ kịch nói, với sự biến tấu nhiều đoạn đối thoại, độc thoại cùng lối diễn xuất ấn tượng của các em học sinh đã tạo ra tiếng cười sảng khoái, thích thú cho khán giả. Bốn nhân vật chính: “thầy bói Nghêu” gian trá; “Ốc” lưu manh, trộm cướp; “Trùm Sò” ác bá; “Thị Hến” lẳng lơ được các em học sinh hoá vai trên sân khấu. Những nét diễn hồn nhiên, trong sáng của các em học sinh dù đôi lúc còn vấp váp, nhưng cũng đã thể hiện rõ đặc trưng tính cách nhân vật, khắc hoạ đầy đủ diện mạo bức tranh làng quê phong kiến buổi suy tàn.
Chưa hết ngạc nhiên, khán giả lại 1 lần nữa trầm trồ trước khả năng hoá thân, diễn xuất của các em học sinh trong vở chèo “Kim Nham” – câu chuyện xoay quanh mối quan hệ vợ chồng Kim Nham và Xuý Vân – một người phụ nữ xinh đẹp xưa kia với những tính cách được cho là “chuẩn mực” của Nho Giáo thời bấy giờ.
Hai vở diễn nằm trong chuỗi dự án học tập liên môn Ngữ văn – Lịch sử – Âm nhạc – Mỹ thuật “Tôi là ai giữa cội nguồn dân tộc?” của học sinh khối 10, Trường Phổ thông liên cấp Olympia. Đây cũng là hình thức “kiểm tra” lấy điểm cuối kỳ sáng tạo, mới lạ của nhà trường, thay vì việc học sinh phải ngồi làm bài trên giấy.
Với vai trò Tổng đạo diễn của chương trình, Khoa Đăng Danh, học sinh khối 10 tại nhà trường chia sẻ, để có được vở diễn, cả tập thể đã phải dày công nghiên cứu rất nhiều về chèo và tuồng nói chung cũng như hai vở diễn trên nói riêng. Khó khăn có, vất vả có, nhưng quan trọng, là các em đã học được rất nhiều điều bổ ích trước, trong và sau dự án.
“Em không chỉ hiểu về nét đẹp của nghệ thuật xưa, về những giá trị mà người đi trước để lại, mà còn được hiểu thêm về công việc của người đạo diễn, cách tổ chức đội nhóm và nhiều kỹ năng khác” – Đăng Danh nói.
Cũng là lấy điểm kiểm tra cuối kỳ, các em học sinh khối 11 đã thực hiện dự án “Tôi giữa xứ thơ”.
Góp công vào dự án, Trâm Anh, học sinh khối 11 cùng lúc đảm đương nhiều vị trí: Người viết kịch bản, làm diễn viên, tham gia mua cho các cảnh trong vở kịch. Không dừng lại ở những dòng kiến thức khô khan, lý thuyết trong sách vở, Trâm Anh cùng các bạn học trải qua quá trình tự tìm hiểu tài liệu và học tập trải nghiệm tại Huế, được tiếp cận với những nét đặc sắc về văn hoá, kiến trúc, con người Huế và cảm thụ các văn bản thơ mới như “Đây thôn Vĩ Dạ” (Hàn Mặc Tử), “Tạm biệt Huế” (Thu Bồn) và bút kí về Huế “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” (Hoàng Phủ Ngọc Tường). Từ đó, các em đã tự biên tập và sáng tạo nên vở nhạc kịch “Hương thành cố đô”.
Để học sinh yêu giá trị truyền thống văn hoá
Thầy Nguyễn Văn Lực, giáo viên Trường THCS Trịnh Phong, Khánh Hoà cho rằng, những ngày này, hướng tới ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10.3, các trường trên khắp cả nước đều tổ chức những hoạt động ngoại khóa, những tiết học trải nghiệm, thực tế với mong muốn học sinh hiểu thêm về lịch sử hào hùng của dân tộc, truyền thống của tổ tiên.
“Các hoạt động đều được lồng ghép trong nội dung giáo dục địa phương – môn học mới trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Qua đó, khơi gợi tình yêu quê hương đất nước ở các em, xây dựng ý thức tự hào dân tộc và tinh thần bảo vệ đất nước” – thầy Lực nói.
Theo nhận định của nhiều giáo viên, văn hoá truyền thống cần trở thành nền tảng trong việc giáo dục đạo đức cho học sinh. Một nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc với những giá trị truyền thống được đúc kết hàng nghìn năm luôn là hành trang quý giá của thế hệ trẻ trong quá trình hội nhập. Ý thức tự hào cái hay, cái đẹp của văn hoá dân tộc sẽ giúp các em học sinh hình thành bản lĩnh trong quá trình tiếp xúc với nền văn hoá khác.
Cô Trần Phương Thanh – Giáo viên Ngữ văn cấp THPT, Hệ thống giáo dục Olympia chia sẻ, trong quá trình giáo viên sát cánh cùng học trò trong các dự án học tập, không phải chỉ riêng các em học sinh mà chính bản thân mỗi giáo viên cũng đã học thêm nhiều điều.