I. Nỗi niềm
Những chỉ số kinh tế của TPHCM công bố gần đây không được như kì vọng. Thậm chí trong số 5 thành phố trực thuộc trung ương hiện tại, TP Hồ Chí Minh đứng cuối bảng. Lâu nay, xét về lĩnh vực kinh tế, người dân TP Hồ Chí Minh luôn tự hào là “không thua ai”. Ngay cả thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, TP Hồ Chí Minh vẫn đóng góp 15,46% vào GDP của cả nước, còn xét cả giai đoạn 2011 – 2021, TP Hồ Chí Minh đóng góp gần 22%, dù thành phố này chiếm khoảng 9,4% dân số, 0,6% diện tích của cả nước. Riêng năm 2022, mặc dù gặp nhiều khó khăn, song Thành phố Hồ Chí Minh có tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 9,03%; đóng góp 30% tổng thu ngân sách nhà nước của cả nước; đứng đầu cả nước về thu ngân sách, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, xuất khẩu…
Nói TP Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế không sai nhưng trở lực đã xuất hiện, tỉ trọng xuất khẩu so với cả nước giảm, tính cạnh tranh của môi trường đầu tư kinh doanh có xu hướng giảm… Có nhiều lí do nhưng lí do khiến người TP Hồ Chí Minh dễ tự ái nhất là “cán bộ TP Hồ Chí Minh có tâm lí e ngại, sợ trách nhiệm”.
Bởi theo định nghĩa của rất nhiều người, trong dòng máu, tính cách của người TP Hồ Chí Minh không thể có khái niệm “e ngại”, “sợ trách nhiệm”.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu – một cộng tác viên thân thiết của Lao Động cuối tuần, từng tổng kết một cách vắn tắt về tính cách người Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh, là:
Năng động, sôi nổi nhưng không ồn ào, bon chen.
Bình thản, tôn trọng cá nhân nhưng nghĩa hiệp, luôn giúp người khi cần.
Hào sảng, quan hệ dựa trên sự tin cậy lẫn nhau.
Làm và chơi đều hết mình, nhiệt tình với bạn bè, ít khi tính đếm so đo.
Không định kiến, dễ chấp nhận cái mới. Không chê bai những gì khác mình.
Nhiều người đồng ý với tổng kết này. Những tính cách ấy tạo nên một nét riêng của TP Hồ Chí Minh và cũng tạo thành động lực để trong suốt gần 50 năm qua, kể từ ngày 30.4.1975 lịch sử, TPHCM tiếp tục vươn mình thúc đẩy kinh tế cả nước.
Khi đầu tàu chậm lại, rõ ràng là phải tìm rõ nguyên nhân.
II. Vượt khó
Tuần qua, một sự kiện đã diễn ra, đó là kỷ niệm 25 năm ngày mất của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (27.4.1998 – 27.4.2023) – người từng được Trung ương điều động là Bí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh hai lần. Vấn đề tạo cơ chế để cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung đã từng được cố Tổng Bí thư thể hiện và khẳng định rõ khi làm việc tại TP Hồ Chí Minh.
Sau ngày 30.4.1975 lịch sử, cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh được giao trọng trách là Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, rồi Trưởng Ban Cải tạo xã hội chủ nghĩa Trung ương, Trưởng ban Dân vận – Mặt trận Trung ương, Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam.
Cho đến cuối năm 1981, cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 2, với quyết tâm phải thực hiện được Nghị quyết số 01-NQ/TW, Bộ Chính trị xác định mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng TP Hồ Chí Minh sau giải phóng: “Từ một thành phố tiêu thụ chuyển sang một thành phố sản xuất, từ kinh tế phục vụ chiến tranh và hoàn toàn phụ thuộc vào nước ngoài chuyển sang kinh tế độc lập, phục vụ dân sinh và tiến lên chủ nghĩa xã hội”. Đây cũng là thời điểm, việc áp dụng một cách thụ động, chủ quan, duy ý chí, mang nặng tính áp đặt cơ chế kinh tế mới, cộng thêm các yếu tố khách quan… đã làm cho năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất – kinh doanh ngày càng suy giảm. GDP của TP Hồ Chí Minh những năm 1976 – 1980 chỉ ở mức bình quân 2,2%/ năm. Thời kì này, phân phối lưu thông trở nên rối ren, đời sống cán bộ và nhân dân khó khăn, tình hình tư tưởng cũng xấu đi rất nhanh.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Linh đã nhận thấy rằng, một số chính sách kinh tế và cơ chế quản lí kinh tế của ta đã lỗi thời, muốn tháo gỡ khó khăn, phải tìm ra cách làm ăn mới, hợp quy luật, hợp lòng người. “Trả về cho sản xuất sự vận hành đúng quy luật của nó” – điều đó được đồng chí coi là biện pháp hữu hiệu để tạo ra những chuyển biến tích cực của các cơ sở sản xuất và cả nền kinh tế.
Sau khi có Nghị quyết Trung ương 6, khóa IV (tháng 8.1979) trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã xuất hiện một số mô hình đổi mới trong sản xuất và kinh
doanh như các xí nghiệp Dệt Thành Công, Phong Phú, Thắng Lợi, Công ty Bột giặt miền Nam, Xí nghiệp Thuốc lá, Dược phẩm 2/9… Những mô hình mới này đã áp dụng chế độ lương khoán sản phẩm; tự tìm tòi tháo gỡ những khó khăn về vật tư, nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm và đã làm ăn có lãi. Sau khi thí điểm, tổng kết bài học kinh nghiệm từ Xí nghiệp dệt Thành Công, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã đề nghị Thành ủy cho phép nhân diện rộng điển hình. Ông cho rằng, muốn sản xuất “bung ra”, các doanh nghiệp phải được giao quyền tự chủ, phải phá bỏ cơ chế quản lí quan liêu, bao cấp. Mô hình của Dệt Thành Công đã lan tỏa ra nhiều các xí nghiệp khác trên khắp thành phố. Sau một thời gian ngắn, nền kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh có những bước chuyển động lớn, mang tính đột phá, hàng chục nghìn cơ sở sản xuất nhỏ và sản xuất gia đình trước đó bị đình trệ đã được khôi phục và hoạt động trở lại, một số mô hình công tư hợp doanh mới được thử nghiệm.
Cuối năm 1985, trong bối cảnh cả nước chưa thoát khỏi khủng hoảng, TP Hồ Chí Minh với khoảng 6% dân số cả nước đã đóng góp 19% tổng sản phẩm xã hội và 17,4% thu nhập quốc dân của cả nước. Nền kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đã từng bước “bung ra”, từng bước loại bỏ dần cơ chế kinh tế tập trung quan liêu bao cấp.
Với những kết quả đạt được của quá trình tìm tòi khảo nghiệm ở Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Văn Linh và tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa V đã chỉ đạo chặt chẽ xây dựng các văn kiện trình Đại hội VI của Đảng, góp phần quan trọng vào việc xây dựng đường lối đổi mới của Đảng tại Đại hội lần thứ VI.
III. Niềm tin
Giữa tháng 4.2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố.
Những câu hỏi là làm gì để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển bền vững các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, khơi thông tín dụng, lao động việc làm, du lịch, mở rộng thị trường xuất khẩu, kích cầu tiêu dùng; đặc biệt xóa bỏ tâm lí sợ tránh nhiệm trong một số cán bộ, doanh nghiệp… tại TP Hồ Chí Minh?
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định người dân TP Hồ Chí Minh có truyền thống cách mạng, anh hùng; cần cù, năng động, sáng tạo, ham học hỏi, không ngừng đổi mới sáng tạo, chu đáo, mến khách, nghĩa tình, luôn khát vọng vươn lên làm giàu cho quê hương đất nước.
Nhưng để TP Hồ Chí Minh khẳng định vị thế đầu tàu kinh tế, cần phải tạo hành lang pháp lí để tạo điều kiện hấp thụ vốn của người dân, doanh nghiệp; tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu, bất động sản; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công tập trung chỉ đạo cho 3 động lực tăng trưởng: tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu.
Đặc biệt cần hành lang pháp lí để cán bộ TP Hồ Chí Minh mạnh dạn hơn, trách nhiệm hơn, quyết tâm hơn lại là điều rất cần thiết trong lúc này. Người dân và cán bộ TP Hồ Chí Minh không thể và không được tự cho phép rụt rè, e ngại, sợ trách nhiệm.
“Cả nước vì TP Hồ Chí Minh, TP Hồ Chí Minh vì cả nước” – đó chính là niềm tin chắc chắn rằng, thành phố này tiếp tục vươn mình, rực rỡ trong tương lai.