Nhà Rồng là kiến trúc lâu đời nhất của Pháp ở Đông Dương
Hiện nay, vẫn còn nhiều tranh luận về tên gọi của Bến Nhà Rồng, tuy nhiên, cách giải thích phổ biến hiện nay cho rằng: Bến là chỉ Bến Nghé, là một bến thuyền nằm trên sông Tân Bình, tên gọi trước đây của sông Sài Gòn. Sông Tân Bình được ghi nhận trong Gia Định thành thông chí, bộ địa chí về vùng đất Nam bộ thế kỉ XIX của Trịnh Hoài Đức: Tân Bình giang ở trước thành Gia Định thuộc địa bàn phủ Tân Bình, tục gọi là sông Bến Nghé. Sông rộng 142 tầm, sâu 10 tầm, nước ròng hết mức sâu 13 thước (khoảng 5 m), sông rộng lớn nước sâu và trong. Bến Nghé tên chữ là Ngưu Chử. Sông rộng, sâu, tương truyền nhiều cá sấu, từng đàn, đuổi nhau rống lên như nghé gọi bầy, cho nên đặt tên như thế.
Nhà Rồng là nhà trụ sở hãng Vận tải Hoàng đế (Messageries Imperials), một hãng tàu của người Pháp, được xây dựng vào khoảng năm 1863. Kiến trúc tòa nhà theo phong cách kiến trúc phương Tây nhưng trên nóc nhà gắn hai con rồng lớn bằng đất nung tráng men xanh, châu đầu vào mặt trăng theo mô típ “Lưỡng long chầu nguyệt” – một kiểu trang trí quen thuộc của đình chùa Việt Nam, vì thế mà có tên Nhà Rồng.
Sách “Địa lý Gia Định – Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh” cho biết, thủ phủ của Gia Định xưa gồm toàn bộ Nam Bộ nước ta, đặt tại Bến Nghé có rất nhiều điều kiện thuận lợi với địa lí tốt lành không đâu sánh bằng. Đây là cả một vùng rộng lớn mà hàng năm không bị lũ lụt như ở Đồng bằng sông Cửu Long. Nơi đây cũng có nhiều giếng nước ngọt và khi hậu dễ chịu nên thành nơi đất lành chim đậu cho dân chúng quy tập làm ăn sinh sống. Đồng thời, cũng là nơi tập kết chiến lược cho thủy quân gìn giữ an ninh trật tự cho miền Nam của Tổ quốc.
Bến Nghé trong quá khứ đã là một thương cảng nổi tiếng của Nam bộ nước ta, dưới sông thuyền bè tấp nập hàng nghìn chiếc. Từ Bến Nghé có đường thủy đi khắp Nam Bộ rất thuận tiện. Gia Định thành thông chí cho biết thêm: Những tàu buôn của nước ta và các nước, tàu biển ghe sông và tàu thuyền lớn nhỏ đậu liên tiếp, cột buồm nối nhau, là một nơi đại đô hội. Nơi đây đã từng là một trong những cảng lớn nhất và quan trọng nhất của khu vực Đông Nam Á.
Năm 1859, giặc Pháp từ Đà Nẵng kéo quân vào Nam, tiến vào sông Bến Nghé rồi đánh thành Gia Định. Bến Nghé thường được nhắc đến trong thơ văn yêu nước thế kỉ XIX. Nguyễn Đình Chiểu cũng viết trong Văn tế Trương Định như sau: “Trời Bến Nghé mây mưa sùi sụt, thương đấng anh hùng gặp bước gian truân; Đất Gò Công cây cỏ ủ ê, cảm hiềm thần tử hết lòng trung ái”.
Nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước
Ngày 5.6.1911, từ bến cảng Nhà Rồng, người thanh niên tràn đầy hoài bão cách mạng Nguyễn Tất Thành dưới tên gọi Văn Ba đã quyết tâm ra đi tìm con đường cứu nước cho dân tộc trên con tàu Đô đốc Amiral Latouche Tréville thuộc hãng Năm Sao (Chargeurs Reunis).
Trải nghiệm và thấu hiểu những nguyên nhân không thành công của các phong trào yêu nước đầu thế kỉ XX của các bậc tiền bối, với nhãn quan chính trị và nhiệt huyết của tuổi trẻ, Nguyễn Tất Thành đã sang phương Tây để tìm hiểu các nước rồi trở về giúp đồng bào mình: “Tôi muốn đi ra nước ngoài xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”.
Ngày 6.7.1911, tàu cập bến cảng Mác-Xây, mảnh đất của nước Pháp là nơi đầu tiên mà Nguyễn Tất Thành đặt chân tới và phát hiện ra điều ngạc nhiên nhất: Ở đây cũng có những người nghèo như Việt Nam. Từ đó, Người quyết tâm sử dụng lao động làm phương tiện đi tìm chân lí. Trên hành trình tìm đường cứu nước, Người đã đến nhiều quốc gia châu Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Phi… hiểu thấu bản chất của chủ nghĩa đế quốc, nỗi thống khổ và số phận của dân tộc thuộc địa. Với tầm nhìn rộng lớn, phân tích các xu thế tư tưởng và cách mạng của thời đại, người đã đến với chủ nghĩa Mác – Lênin và quyết tâm đi theo con đường của Cách mạng Tháng Mười, con đường của cách mạng vô sản thế giới.
Từ bến Nhà Rồng, sau 30 năm bôn ba khắp năm châu, vừa lao động, vừa học tập, nghiên cứu lí luận và thực tiễn cách mạng thế giới, Nguyễn Ái Quốc đã trở về tổ quốc, mang theo một tài sản vô cùng quý báu, đó là con đường cách mạng, con đường giải phóng dân tộc Việt Nam. Con đường cách mạng Việt Nam mà Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh xây đắp là nền tảng cho mọi thắng lợi của Cách mạng Việt Nam.
Từ quá khứ đến hiện tại
Bến Nhà Rồng là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng đối với dân tộc, đất nước. Ngày 30.4.1975, cờ đỏ sao vàng đã được kéo lên tại đây, đánh dấu chiến thắng của quân và dân ta trong cuộc chiến giành độc lập, thống nhất đất nước. Ngay sau ngày đất nước thống nhất, ngôi Nhà Rồng được giữ lại làm Di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh theo Quyết định số 1315/QĐ-UB, ngày 9.7.1979, của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Không chỉ có giá trị lịch sử, Bến Nhà Rồng còn có một kiến trúc độc đáo và đẹp mắt. Kiến trúc của Bến Nhà Rồng kết hợp giữa nghệ thuật châu Âu và kiến trúc đặc trưng của Đông Nam Á, tạo nên một di sản văn hóa đặc biệt cho thành phố. Bến Nhà Rồng đã được khôi phục như hiện trạng vốn có và trở thành một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng của thành phố.
Bến Nhà Rồng hiện nay là Bảo tàng Hồ Chí Minh – chi nhánh TP Hồ Chí Minh tọa lạc tại số 1 Nguyễn Tất Thành, Phường 12, Quận 4. Đây là một trong những đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời cũng là một chi nhánh nằm trong Hệ thống các Bảo tàng và Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cả nước.
Đối với người Việt Nam, Bến Nhà Rồng là một trong những địa điểm có ý nghĩa lịch sử đặc biệt. Bác Hồ đã từng sinh sống ở đây, là nơi Người ra đi tìm đường cứu nước cho dân tộc. Bên cạnh đó, Bến Nhà Rồng cũng là nơi lưu giữ và trưng bày nhiều hiện vật, hình ảnh về lịch sử Việt Nam. Du khách đến đây cũng có thể tham quan, tìm hiểu cuộc sống và lịch sử của dân tộc, đặc biệt là hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bến Nhà Rồng là nơi đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước. Đây là một trong những địa điểm không thể bỏ qua để tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa và lịch sử dân tộc.