Khi U22 Việt Nam đến Campuchia, bắt đầu hành trình ở SEA Games 32, huấn luyện viên Troussier đã thừa nhận những áp lực. Đó là vì mục tiêu phải vô địch và phải chơi thứ bóng đá đẹp nhất.
Thực tế, U22 Việt Nam khó có thể đáp ứng mong muốn của người hâm mộ ở cả 2 mục tiêu đó. Trong trường hợp này, có thể tính hiệu quả xem ra là điều thiết thực hơn cả với thầy trò ông Troussier.
U22 Việt Nam mang đến SEA Games 32 một đội hình non trẻ, các cầu thủ bắt đầu tạo thành một tập thể gắn kết cùng triết lí bóng đá mới mẻ dưới thời huấn luyện viên Troussier. Thế nên, lúc này, muốn hướng đến bóng đá đẹp sẽ có thể bất khả thi.
Trong khi đó, để đi đến trận chung kết, U22 Việt Nam sẽ chỉ có 6 trận đấu. Điều đó đồng nghĩa với việc huấn luyện viên Troussier cần có sự tính toán nhất định về mặt nhân sự ở mỗi trận đấu. Đó là chưa kể, với mật độ thi đấu dày như SEA Games, việc xoay tua đội hình sẽ khiến U22 Việt Nam buộc phải tính toán sự hiệu quả.
Năm 2017, U22 Việt Nam dự SEA Games 29 dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Nguyễn Hữu Thắng từng hướng đến một lối chơi kỹ thuật, nhỏ, nhuyễn theo thiên hướng tiki-taka. Trong tay huấn luyện viên xứ Nghệ thời điểm đó có đủ những cầu thủ có tố chất, kinh nghiệm để làm điều đó.
Với nòng cốt là quân Hoàng Anh Gia Lai với những cầu thủ đã chơi gắn kết với nhau và được tạo cơ hội đá V.League, U22 Việt Nam đã có những trận đấu đẹp. Nhưng đó chỉ là với 3 đối thủ yếu ở vòng bảng. Chỉ đến khi gặp những đội mạnh hơn như U22 Indonesia và U22 Thái Lan cùng với đội hình ít được xoay tua, đã bào mòn thể lực, U22 Việt Nam đã thất bại.
Đó được xem là một trong thất bại đáng tiếc nhất của U22 Việt Nam tại một kỳ SEA Games. Bởi chúng ta đã có một thế hệ cầu thủ tài năng và một tập thể có lối chơi cống hiến đẹp mắt. Chỉ tiếc rằng, chúng ta không có một chiến thuật hợp lí.
Như Chủ tịch Hội đồng huấn luyện viên Quốc gia – Nguyễn Sỹ Hiển đã nhận xét thời điểm đó thì: “Hữu Thắng sử dụng đội hình, xoay vòng lực lượng đều hỏng cả, biểu hiện sự non nớt, lúng túng, tâm lý không đáng có. Chúng ta có một lực lượng tốt nhưng khi sử dụng không đúng thì thành ra như vậy”.
Bây giờ, khi ông Troussier đứng trước một áp lực “đá đẹp” có thể nhìn lại bài học của U22 Việt Nam năm 2017. Tất nhiên, “phù thuỷ trắng” hiểu mình cần làm gì để mang lại hiệu quả. Trong một giải đấu mà U22 Việt Nam không có quá nhiều ưu thế về lực lượng thì rất cần đến tài thao lược của huấn luyện viên trưởng.
Và ông Troussier nên hiểu rằng, áp lực không thắng sẽ khó chịu hơn nhiều những trận đấu có thể mang lại hiệu quả từ thực dụng.
Trong buổi tập chiều 27.4 tại Campuchia, trợ lý Azzeggouarh đã yêu cầu các cầu thủ U22 Việt Nam cần vào bóng mạnh hơn, quyết liệt hơn. Đấy cũng có thể là một trong những yếu tố mà khán giả có thể nhìn thấy quan điểm lựa chọn lối chơi của U22 Việt Nam sắp tới.
Bóng đá suy cho cùng vẫn phải có thành tích.