Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu khẩn trương triển khai
Để đảm bảo tiến độ, Bộ Giao thông Vận tải vừa yêu cầu các Ban quản lý dự án thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư giai đoạn lập danh mục dự án, bên mời thầu giai đoạn lựa chọn nhà đầu tư công trình trạm dừng nghỉ, khẩn trương triển khai các thủ tục theo quy định để tổ chức lựa chọn tư vấn, nhà đầu tư các trạm dừng nghỉ trong thời gian sớm nhất…
Chủ động triển khai đồng thời các công việc, sẵn sàng hồ sơ cho các bước tiếp theo, rút ngắn tối đa thời gian trong từng công đoạn thực hiện.
Đồng thời, lập tiến độ chi tiết từng hạng mục công việc, giai đoạn thực hiện theo kế hoạch triển khai của Cục Đường cao tốc Việt Nam;
Yêu cầu giám đốc các Ban quản lý dự án trực tiếp chỉ đạo, bám sát kế hoạch nhiệm vụ được giao và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải về chất lượng và tiến độ thực hiện.
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Đinh Công Minh – Giám đốc Ban quản lý dự án Thăng Long cho biết, đang tiến hành các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư để triển khai 2 trạm dừng nghỉ trên cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây, quy mô 2 trạm là 4 ha.
Đầu tư 37 trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông
Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kì 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông có phạm vi từ cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) đến Cà Mau, tổng chiều dài khoảng 2.063 km, quy mô từ 4 – 6 làn xe, các đoạn của ngõ đô thị quy mô 8 – 10 làn xe.
Đến nay, cao tốc Bắc – Nam phía Đông đã đưa vào khai thác khoảng 643 km bao gồm các đoạn: Lạng Sơn (Chi Lăng) – Hà Nội, Hà Nội – Cao Bồ (Ninh Bình), Cam Lộ – La Sơn – Hoà Liên, Đà Nẵng – Quảng Ngãi, đoạn qua hầm Cù Mông và hầm Đèo Cả, Dầu Giây – Long Thành (đi trùng 21 km), TP Hồ Chí Minh – Trung Lương – Mỹ Thuận); đang đầu tư khoảng 1.420 km.
Đến nay trên tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông (dài 2.063 km) đã đưa vào khai thác 5 trạm trên phạm vi 643 km, gồm: 2 trạm trên cao tốc Bắc Giang – Hà Nội, 1 trạm trên đoạn Cầu Giẽ – Cao Bồ, 1 trạm đoạn Cao Bồ – Mai Sơn và 1 trạm trên cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương.
Ngoài ra, hiện đang đầu tư 2 trạm (1 trạm trên cao tốc La Sơn – Túy Loan và 1 trạm trên cao tốc Lạng Sơn – Bắc Giang). Còn lại 30 trạm dừng nghỉ cơ bản đã hoạch định vị trí, quy mô trong quyết định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần nhưng chưa được đầu tư.
Theo kế hoạch triển khai thông thường thời gian hoàn tất thủ tục lựa chọn nhà đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ khoảng từ 10-12 tháng.
Tuy nhiên, để sớm triển khai xây dựng trạm 8 trạm dừng nghỉ phục vụ các dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc – Nam sắp đưa vào sử dụng, Cục đường cao tốc Việt Nam đã xây dựng kế hoạch nhằm rút ngắn tốt đa thời gian thực hiện từng công đoạn.
Nếu thuận lợi không phát sinh các tình huống thì khoảng giữa tháng 8.2023 (trường hợp chỉ định thầu) và khoảng giữa tháng 10.2023 (trường hợp đấu thầu rộng rãi) sẽ hoàn thành công tác lựa chọn nhà đầu tư.
8 trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông
Tuyến cao tốc Mai Sơn – QL45, lí trình km329+700 xây dựng tại tỉnh Thanh Hoá có quy mô 2 trạm mỗi trạm 2 ha, trạm loại I-A (loại thông thường).
Cao tốc Nghi Sơn – Diễn Châu, lí trình km427+035 xây dựng tại tỉnh Nghệ An có quy mô 2 trạm mỗi trạm 2,25 ha, trạm loại I-B (loại lớn).
Cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt, lí trình km478+200 xây dựng tại tỉnh Hà Tĩnh có quy mô 2 trạm mỗi trạm 2 ha, trạm loại I-A (loại thông thường).
Cao tốc Nha Trang – Cam Lâm, lí trình km22+100 xây dựng tại tỉnh Ninh Thuận có quy mô 2 trạm mỗi trạm 2 ha, trạm loại I-A (loại thông thường).
Cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết, lí trình km144+560 xây dựng tại tỉnh Bình Thuận có quy mô 2 trạm mỗi trạm 2 ha, trạm loại I-A (loại thông thường). Còn tại lí trình km205+092 cũng xây dựng tại tỉnh Bình Thuận có quy mô 2 trạm mỗi trạm 2,25 ha, trạm loại I-B (loại lớn).
Cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây tại lí trình km47+500 xây dựng tại tỉnh Bình Thuận có quy mô 2 trạm mỗi trạm 2 ha, trạm loại I-A (loại thông thường).