Nhiều khiếu kiện, tham nhũng liên quan đến đất đai
Tại buổi tiếp xúc, cử tri Lê Quang Toàn (quận Hải Châu) có ý kiến, Luật đất từ năm 2013 đến nay đã 10 năm và chuẩn bị sửa đổi.
Qua tiếp xúc ý kiến của nhân dân với gần 12 triệu lượt, Quốc hội cần chỉ đạo lãnh đạo các cấp có báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Đất đai, chỉ ra được ưu khuyết điểm để ban hành luật mới phù hợp với thực tiễn.
Trao đổi với cử tri Đà Nẵng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho biết, Chính phủ đang trình Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Đất đai dựa trên tổng kết quá trình thực thi thời gian qua.
Trong quá trình thực hiện chính sách đất đai, Việt Nam cũng đã có những thành tựu to lớn, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, góp phần thay đổi bộ mặt từ thành thị tới nông thôn nhưng cũng bộc lộ những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm, thậm chí là sai phạm.
Hiện nay những vụ khiếu kiện, khiếu nại đông người hay đơn lẻ thì có tới 70% liên quan đến đất đai. Vừa qua, khi Trung ương đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng chống tiêu cực, xử lý nghiêm những cán bộ vi phạm thì tỉ lệ cán bộ vi phạm vì đất đai cũng khá lớn.
Nghị quyết số 18 tại Hội nghị Trung ương lần thứ 5 có những quan điểm nhấn mạnh là làm sao phát huy cao nhất nguồn lực đất đai, kiên quyết khắc phục tình trạng tham nhũng, tiêu cực, đầu cơ và sử dụng đất đai lãng phí.
“Tham nhũng tiêu cực trong chính sách đất đai nhiều như thế thì kỳ này sửa đổi Luật đất đai chúng ta phải hướng tới sử dụng đất đai hiệu quả, tạo ra nguồn lực và kiên quyết xử lý các vụ việc tiêu cực.
Bên cạnh đó, Luật sẽ hoàn thiện quy định, quy trình tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng an ninh, xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng” – Chủ tịch nước nói.
Đặt lợi ích của người dân lên trên hết
Cụ thể, Nghị quyết của Đảng khẳng định rõ, chỉ được thực hiện quy trình thu hồi đất là bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất.
Trong đó xác định, những liên quan đến người dân chỉ được thực hiện sau khi phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư được phê duyệt. Đặc biệt ở những dự án tái định cư thì chỉ khi nào tái định cư xong mới thu hồi đất.
“Đây là tư tưởng và quyết tâm của Đảng thực hiện chính sách đất đai. Điều này không hề đơn giản nhưng đặt lợi ích của nhân dân lên trước hết thì chúng ta phải làm.
Trường hợp dự án thực sự cấp bách thì phải nhận được sự đồng thuận của người dân. Bởi, thực tế nhiều dự án triển khai 20 năm việc tái định cư vẫn chưa xong dẫn đến khiếu kiện, khiếu nại kéo dài.
Bên cạnh đó, Luật Đất đai sửa đổi cũng đặt ra yêu cầu đổi mới thẩm định giá đất, hiện nay đang có 5 phương án thẩm định giá đất, nhưng mỗi phương án lại có ra những giá khác nhau. Thậm chí cùng 1 phương án nhưng 3 cơ quan thẩm định thì cho ra 3 giá khác nhau.
Những dự án đô thị, có tính chất thương mại thì doanh nghiệp phải thỏa thuận với người dân…
“Đó là những vấn đề tập trung thể chế hóa Nghị quyết của Đảng trong lần sửa đổi Luật Đất đai lần này. Người ta nói Việt Nam đất chật người đông, chúng ta 100 triệu dân rồi mà đất đâu nở ra có chỗ bị xói mòn, sạt lở mà sử dụng không khéo thì tương lai con cháu cũng không còn nguồn lực” – Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.