Hôm nay 28.4, TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh xử phúc thẩm vụ án bé V.A (8 tuổi) bị Nguyễn Võ Quỳnh Trang (27 tuổi) – người tình của Nguyễn Kim Trung Thái (cha ruột của bé), bạo hành dẫn đến tử vong.
Phiên tòa được mở ra theo đơn kháng cáo của luật sư bảo vệ cho gia đình bé V.A đề nghị hủy án sơ thẩm, điều tra Nguyễn Kim Trung Thái (cha bé V.A) đồng phạm với Nguyễn Võ Quỳnh Trang về tội giết người.
Trước khi phiên phúc thẩm diễn ra, Quỳnh Trang đã xin rút kháng cáo, chấp nhận mức án tử hình. Theo đó, Trang đã viết đơn rút kháng cáo vì cảm thấy áp lực, mệt mỏi, không muốn áp lực dư luận làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người thân.
Mặc dù đã có đơn xin rút kháng cáo nhưng Nguyễn Võ Quỳnh Trang vẫn bị áp giải đến phiên toà phúc thẩm.
Luật sư Hà Thị Khuyên – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, về nguyên tắc phạm vi xét xử phúc thẩm quy định tại Điều 345 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì Tòa án cấp phúc thẩm xem xét phần nội dung của bản án, quyết định bị kháng cáo, kháng nghị.
Nếu xét thấy cần thiết, có thể xem xét các phần khác của bản án, quyết định không bị kháng cáo, kháng nghị. Nên Trang không kháng cáo thì HĐXX cấp phúc thẩm sẽ không xem xét phần bản án sơ thẩm liên quan đến Trang.
Khi đó để giảm án, Trang phải có đơn xin ân giảm gửi lên Chủ tịch nước.
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, trong thời hạn 7 ngày kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật, người bị kết án tử hình được gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước.
Nếu được ân giảm thì hình phạt tử hình được giảm xuống tù chung thân. Nếu đơn xin ân giảm bị bác thì bản án tử hình được thi hành.
Điều 258 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định trường hợp được ân giảm đối với hình phạt tử hình như sau:
Sau khi bản án tử hình có hiệu lực pháp luật, hồ sơ vụ án phải được gửi ngay lên Chánh án TAND Tối cao và bản án phải được gửi ngay lên Viện trưởng Viện KSND Tối cao.
Trong thời hạn hai tháng, kể từ ngày nhận được bản án và hồ sơ vụ án, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao phải quyết định kháng nghị hoặc quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.
Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người bị kết án được gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước;
Bản án tử hình được thi hành, nếu Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng Viện KSND Tối cao không kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.
Trong trường hợp bản án tử hình bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm mà Hội đồng giám đốc thẩm, Hội đồng tái thẩm TAND Tối cao quyết định không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án tử hình thì TAND Tối cao phải thông báo ngay cho người bị kết án biết để họ làm đơn xin ân giảm án tử hình.
Trong trường hợp người bị kết án xin ân giảm hình phạt tử hình thì bản án tử hình được thi hành sau khi Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm.
Trong trường hợp người bị kết án tử hình được ân giảm, thì theo quy định tại Điều 35 Bộ luật Hình sự, hình phạt tử hình chuyển thành tù chung thân.