Bài thơ Lượm bị bẻ cong, biến tấu thành “nhạc rác”
Lượm là nhân vật văn học nổi tiếng, xuất hiện ở bộ môn Ngữ văn trong chương trình của Bộ Giáo dục & Đào tạo. Trong bài thơ “Lượm”, nhà thơ Tố Hữu đã khắc họa hình ảnh “chú bé loắt choắt” làm công tác giao liên đã hy sinh trong một lần chuyển thư “thượng khẩn” thời kháng chiến chống Pháp.
Tuy nhiên, hình ảnh một chú bé hồn nhiên, dũng cảm, sẵn sàng hy sinh trong thời chiến lại bị chế với những ngôn từ không phù hợp. Chưa bao giờ ranh giới giữa sự sáng tạo và xúc phạm lại mong manh đến thế.
Lướt TikTok, không khó để bắt gặp đoạn nhạc chế cùng hashtag “chubeloatchoat” do 2see thực hiện và DJ FWIN phối nhạc với phần lời: “Chú bé loắt choắt, cái xắc xinh xinh, cái chân thoăn thoắt, cái đầu cắt moi. Gió đưa cành trúc thật Prada. Trên mạng đang hot trend gì vậy ta. Họa hổ họa bì gian nan họa cốt. Tiên nhân tri diện đường Nguyễn Tri Phương. Cười người hôm trước hôm sau người cười. Trăm nghe không bằng mắt sáng 10/10. Muốn sang đây được phải bắc cầu kiều. Muốn con hay chữ phải tốn tiền nhiều”.
Đến ngày 27.4, từ khóa chubeloatchoat có tới 27,6 triệu lượt xem trên nền tảng mạng xã hội này. Đáng nói, một số video, người dùng tạo dáng mặc bikini, dẫm đạp lên bàn học, dẫm lên bàn giáo viên, uốn éo với những góc quay phản cảm.
Sau khi nhận nhiều lời chỉ trích, phản ánh tiêu cực từ công chúng, 2see – người sáng tác đoạn rap đã lên tiếng xin lỗi. Tác giả cũng ẩn bài nhạc trên YouTube và xóa bài nhạc chế gốc trên mọi nền tảng.
Tuy nhiên, lời xin lỗi của 2see cũng nhận về luồng dư luận trái chiều. Nhiều ý kiến cho rằng chính tác giả cũng muốn ca khúc trở nên viral, chỉ gỡ khi nhận được về quá nhiều chỉ trích. Dù bản gốc được gỡ xuống khỏi các nền tảng, nhưng vẫn còn đó hàng trăm bản nhạc được đăng lại, dùng lại gây bức xúc cho người nghe.
Sự “lệch lạc” đội lốt nghệ thuật
Trước những video phản cảm và giai điệu nhảm nhí, chị Dương Thu Hằng (Cầu Giấy, Hà Nội) tỏ ra lo ngại: “Con tôi từ khi xem được đoạn nhạc chế, cháu suốt ngày lẩm bẩm theo. Quả thật, bọn trẻ con khi đang trong giai đoạn phát triển, kiến thức tốt có thể chúng không nhớ và không nghe nhưng riêng những điều xấu thì lại tiếp thu rất nhanh. Tôi hy vọng, TikTok sẽ có biện pháp xử lý, ít nhất xóa bỏ toàn bộ các clip sử dụng phần nhạc chế này để tránh làm ảnh hưởng đến nhận thức con trẻ”.
Đồng ý kiến với chị Hằng, bạn Nguyễn Thanh Quỳnh (Thanh Trì, Hà Nội) đã bày tỏ phẫn nộ khi lời bài hát đã lệch lạc, các bạn trẻ quay trend có động tác vũ đạo nhại lại khiến nội dung càng trở nên lệch lạc hơn.
“Không hiểu sao một số bộ phận giới trẻ, đặc biệt là các bạn học sinh lại hưởng ứng nhiệt tình, coi nó là sự độc lạ để ”đu trend” câu like, câu view bất chấp như vậy.
Họ chỉ cần giai điệu hay, vui tai mà không hề bận tâm đến lời ca sáo rỗng, không biết rằng sự hưởng ứng ấy đang tiếp tay cho những người xuyên tạc tác phẩm văn học lộng hành” – bạn Quỳnh bức xúc.
Chia sẻ với Lao Động về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn – Phó Viện trưởng Viện Văn học cho biết, sự thay đổi lời tác phẩm văn học đã là vi phạm bản quyền. Bài thơ Lượm của nhà thơ Tố Hữu lại bị biến dịch để tạo tiếng cười, hài hước là việc làm càng không thể chấp nhận.
Theo ông Sơn, văn học ngoài đặc trưng về giáo dục, nhận thức, thẩm mỹ còn có thêm chức năng vị nghệ thuật, nghĩa là văn học hướng đến giải trí nhưng không phải tác phẩm văn học nào cũng có thể đem ra để giải trí.
”Việc thóa mạ, coi thường nhân vật lịch sử của tác phẩm văn học dân tộc, đặc biệt lại là tác phẩm được giảng dạy trong nhà trường đã xóa nhòa ranh giới đúng – sai, chuẩn mực – báng bổ.
Không chỉ đối với riêng bản nhạc chế ”chú bé loắt choắt”, những hành vi tương tự như vậy cần có chế tài xử phạt thật nghiêm minh để làm gương cho những người khác” – ông Sơn nói.
Theo Bộ TT-TT, thời gian gần đây, trên mạng xã hội TikTok xuất hiện nhiều nội dung xấu độc, phản cảm, các thông tin sai sự thật, mê tín dị đoan… Trước thực trạng trên, Bộ TT-TT sẽ tiến hành thanh tra toàn diện đối với nền tảng mạng xã hội TikTok.
Việc thanh tra dự kiến sẽ bắt đầu tiến hành từ tháng 5, nhằm đảm bảo việc tuân thủ pháp luật của nền tảng này trong quá trình hoạt động, kinh doanh tại Việt Nam. Nếu phát hiện sai phạm, Bộ TT-TT sẽ xử lý nghiêm; đồng thời sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng áp dụng nhiều giải pháp mạnh tay, triệt để.