Việc tăng học phí các cấp học đã được quy định rõ trong Nghị định số 81/2021/NĐ-CP (Nghị định 81) của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
Nghị định 81 đã được ban hành 2 năm, tuy nhiên do dịch bệnh COVID-19 tác động tiêu cực tới mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội, nhất là cuộc sống của người dân lao động, vì vậy thời điểm áp dụng mức tăng học phí đã được lùi lại đến năm học 2023 – 2024 thay vì năm học 2022 – 2023 như quy định. Đây là sự chia sẻ khó khăn hết sức ý nghĩa của Nhà nước, Chính phủ và của ngành Giáo dục với người dân.
Theo đó, năm học 2023 – 2024 đang đến gần, câu chuyện tăng học phí lại tiếp tục “nóng”, thu hút sự quan tâm của dư luận. Việc tăng học phí nên thực hiện như thế nào là điều các cơ sở đào tạo đang trăn trở.
Nghị định 81 đã quy định rất rõ ràng mức tăng học phí hàng năm tương đối hợp lý. Mức tăng học phí được xây dựng theo lộ trình cụ thể, áp dụng cho từng cấp học và từng loại hình cơ sở giáo dục đào tạo khác nhau.
Mức tăng phù hợp với chỉ số giá tiêu dùng và mức tăng trưởng kinh tế mỗi năm ở điều kiện bình thường (mức trần không quá 15%/năm).
Nếu chúng ta không tăng học phí thì gây khó cho hệ thống. Vì trong lúc ngân sách Nhà nước còn nhiều khó khăn, số ngân sách chi cho giáo dục chưa được đảm bảo ở một tỉ lệ tối ưu khiến các cơ sở giáo dục (nhất là bậc đại học) luôn gặp khó khăn trong việc vừa phải nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, vừa đáp ứng nhu cầu cung cấp nguồn nhân lực chất lượng ngày một cao hơn cho xã hội. Đồng thời, phải có chế độ đãi ngộ xứng đáng để thu hút và giữ chân đội ngũ giảng viên và các nhà quản lý giỏi, vừa phải đầu tư cải tạo, nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất… phục vụ việc dạy và học.
Nhưng nếu tăng theo đúng khung học phí quy định tại Nghị định 81 từ năm học 2023 – 2024 lại tạo áp lực khá lớn cho người học. Bởi lẽ khi xây dựng nghị định, giả định về bài toán tăng học phí được đặt ra trong điều kiện bình thường. Trong khi đó, chúng ta phải trải qua 2 năm chống chọi với dịch bệnh COVID-19 khá khốc liệt. Dịch bệnh cộng với khủng hoảng kinh tế thế giới khiến cho đời sống của nhân dân đều bị ảnh hưởng.
Và theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, dù thế giới và Việt Nam đã khống chế được dịch bệnh COVID-19, nhưng tác động xấu của nó lên nền kinh tế chưa dừng lại. Sự khó khăn về kinh tế có thể tiếp diễn đến hết năm 2025.
Chính bởi vậy, khi tăng học phí, các cơ sở đào tạo, các địa phương cần có những tính toán cụ thể, với mức tăng hợp lý để tiếp tục chia sẻ gánh nặng kinh tế với người dân, và ngược lại người học cũng chia sẻ khó khăn với các cơ sở đào tạo.
Bên cạnh việc tăng học phí, cũng cần nghiên cứu ban hành thêm những chính sách cải thiện học bổng và tín dụng cho sinh viên.
Đặc biệt, việc tăng học phí phải đi đôi với nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi ra trường.