Tại cuộc họp với tập thể lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu NHNN khẩn trương xây dựng phương án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, nhất là các ngân hàng thương mại yếu kém, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) theo đúng trình tự, thủ tục.
“Không để chậm trễ, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng thẩm quyền, đúng quy định, không để xảy ra rủi ro, thất thoát tài sản nhà nước, trục lợi chính sách và vi phạm pháp luật trong quá trình tổ chức thực hiện, góp phần lành mạnh hóa và hạn chế tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, nhất là về lãi suất, qua đó tạo thuận lợi hạ mặt bằng lãi suất”, thông báo của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp nêu rõ.
Đây là diễn biến tiếp theo liên quan đến các hoạt động của ngân hàng SCB bởi trước đó vào tháng 10.2022, để ổn định hoạt động của ngân hàng này, NHNN quyết định kiểm soát đặc biệt SCB.
NHNN cho hay, việc kiểm soát đặc biệt một tổ chức tín dụng là biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật nhằm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tác động tiêu cực đến tổ chức tín dụng đó và hệ thống các tổ chức tín dụng.
Hoạt động của Ngân hàng SCB theo đó được thực hiện dưới sự kiểm soát của NHNN.
NHNN lựa chọn, chỉ định những cán bộ có kinh nghiệm, năng lực, trình độ chuyên môn từ các ngân hàng thương mại nhà nước (Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank) tham gia quản trị, điều hành SCB.
“NHNN sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện đồng bộ các giải pháp cần thiết để ngân hàng hoạt động an toàn, lành mạnh” – cơ quan ngân hàng Trung ương khẳng định.
Các dữ liệu báo cáo tài chính tổng hợp đến cuối năm 2022 cho thấy, trong 10 ngân hàng có quy mô tổng tài sản lớn nhất Việt Nam, MB và Techcombank có tài sản lần lượt là 729.000 tỉ đồng và 700.000 tỉ đồng; đứng thứ 4, thứ 5 sau BIDV, Vietcombank, VietinBank.
5 ngân hàng còn lại trong top 10 ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất là VPBank (631.000 tỉ đồng), ACB (608.000 tỉ đồng), Sacombank (592.000 tỉ đồng), SHB (551.400 tỉ đồng) và HDBank (416.300 tỉ đồng).
Điều bất ngờ là theo tìm hiểu của Lao Động, SCB mới là ngân hàng có khối tài sản đồ sộ và thậm chí còn vượt cả vị trí của Ngân hàng MB và Techcombank.
Cụ thể vào thời điểm tháng 3.2020 khi được NHNN phê duyệt Đề án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2019-2020, tầm nhìn đến năm 2030, quy mô tổng tài sản của SCB nằm trong nhóm 5 ngân hàng lớn nhất tại Việt Nam với hơn 567.894 tỉ đồng (theo báo cáo tài chính 2019).
Vào thời điểm đầu năm 2020, ngân hàng SCB cũng có mạng lưới rộng khắp tới 239 điểm giao dịch tại 28 tỉnh thành và số lượng cán bộ nhân viên hơn 7.300 người.
Tuy nhiên chỉ 3 năm sau khi được phê duyệt đề án tái cơ cấu, chỉ tính đến cuối tháng 6.2022, tổng tài sản của Ngân hàng SCB vọt tăng lên hơn 761.177 tỉ đồng. Tương đương mức tăng tới 34% so với thời điểm được phê duyệt đề án cơ cấu lại.
Trong khi đó tính đến cuối tháng 6.2022, các báo cáo tài chính của MB và Techcombank cho thấy, tổng tài sản của hai ngân hàng này lần lượt là 658.200 tỉ đồng và 623.700 tỉ đồng.
Tuy nhiên diễn biến bất ngờ là sau khi công bố báo cáo tài chính quý II/2022 và kể từ khi bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt vào tháng 10.2022, đến nay SCB không công bố thêm các báo cáo tài chính trong các quý còn lại của năm 2022 cũng như cả năm 2022.
Điều này giải thích vì sao các tổ chức đầu tư không có đủ dữ liệu về tổng tài sản của ngân hàng SCB đến cuối năm 2022 và vì vậy không xem xét thứ hạng tài sản của SCB trong nhóm các ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất Việt Nam năm 2022.
Ngày 1.1.2012, Ngân hàng TMCP Sài gòn (SCB) chính thức đi vào hoạt động sau khi hợp nhất từ 3 ngân hàng: Ngân hàng SCB, Ngân hàng Đệ nhất (Ficombank) và Ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa (Tín Nghĩa Bank).