Phân lô, tách thửa tự phát
Trước đây, việc thu gom đất của một số cá nhân, hộ gia đình, sau đó làm hạ tầng, rồi tách thành các lô nhỏ để bán, đang tạo ra những hệ lụy cho thị trường bất động sản và quy hoạch.
Sau khi được một số doanh nghiệp hoặc cá nhân tiếp tay đầu cơ, khu đất tiếp tục tách thửa ra thành nhiều lô nhỏ, như một “dự án” hàng trăm lô để bán, nhận đặt cọc, sang nhượng cho người khác với giá cao trên trời nhằm kiếm lời.
Báo Lao Động cũng đã từng có loạt bài ghi nhận và phản ánh về việc tại xã Cổ Đông (thị xã Sơn Tây), xã Bình Yên (huyện Thạch Thất, Hà Nội), hàng chục nghìn m2 được một số đối tượng tổ chức mua, sau đó tự ý làm hạ tầng là đường giao thông và cột đèn thắp sáng, phân thành từng lô đất có diện tích trung bình là 65 m2.
Trước tình trạng rầm rộ phân lô, tách thửa, tháng 3.2022, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội ban hành văn bản 1685 về việc đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước trong thực hiện thủ tục tách thửa đất, hợp thửa đất, trong đó cơ quan này đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tạm dừng phân lô, tách thửa đối với đất nông nghiệp, trừ một số trường hợp cụ thể.
Ngày 20.4, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp, cho biết đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND TP Hà Nội, đề nghị tự kiểm tra, xử lý công văn số 1685 nói trên. Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội vừa có Văn bản 2869 về việc bãi bỏ Văn bản 1685 trái luật, yêu cầu các địa phương tiếp nhận, giải quyết thủ tục tách, hợp thửa theo quy định.
Tránh tình trạng phân lô rầm rộ rồi bỏ hoang
Việc phân lô, tách thửa hiện nay được UBND cấp tỉnh căn cứ vào quy định của Chính phủ về điều kiện loại đô thị để cho phép chủ đầu tư dự án được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô sau khi đã hoàn thành đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và nghĩa vụ tài chính về đất đai.
Tại khoản 1 Điều 194 Luật Đất đai năm 2013 được hướng dẫn tại điều 41 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15.5.2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai năm 2013. Cụ thể, điều kiện dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền phải đáp ứng các điều kiện.
Thứ nhất, phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện.
Thứ hai, chủ đầu tư dự án phải hoàn thành việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng gồm các công trình dịch vụ, công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đã được phê duyệt; đảm bảo cung cấp các dịch vụ thiết yếu gồm cấp điện, cấp nước, thoát nước, thu gom rác thải…
Thứ ba, chủ đầu tư phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai của dự án gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; thuế, phí, lệ phí liên quan đến đất đai (nếu có).
Thứ tư, khu vực tiến hành phân lô, bán nền không nằm trong địa bàn các quận nội thành của các đô thị loại đặc biệt…
Chia sẻ với Lao Động, ông Nguyễn Thế Điệp – Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội BĐS Việt Nam – cho rằng, các điều kiện trên là một trong những yếu tố quan trọng để quản lý chặt chẽ phân lô, tách thửa. Cơ quan quản lý phải làm mạnh để tránh tình trạng nhà đầu tư gom đất phân lô đầu cơ rồi bỏ hoang.
“Khi không thoả mãn một trong 4 điều kiện nêu trên thì doanh nghiệp không được phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô bán nền”, vị này nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Điệp cũng cho rằng để tránh gây khó dễ, thiệt thòi cho những gia đình có nhu cầu tách thửa thực cho con cái thì cơ quan quản lý phải tìm hiểu, xác minh rõ ràng.