Doanh nghiệp dệt may không có đơn hàng
“Có nhiều doanh nghiệp thành lập mới và phát triển, nhưng cũng có doanh nghiệp buộc phải rút lui khỏi thị trường. Gần nhất là việc ngân hàng của Mỹ buộc phá sản trong thời gian không ai ngờ tới…
Việc này tưởng chừng không liên quan tới Việt Nam, song thực chất lại ảnh hưởng rất sâu rộng” – ông Thân Đức Việt – Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 nhận định.
CEO May 10 chỉ ra nguyên nhân khiến đơn hàng quý I/2023 sụt giảm là do nhu cầu tiêu dùng giảm sút, cuộc xung đột giữa Nga – Ukraine đã đẩy giá năng lượng và lạm phát lên toàn cầu lên cao.
Do vậy, để tìm kiếm các cơ hội đầu tư mới, các doanh nghiệp cần tái cấu trúc và định vị lại thương hiệu, sản phẩm.
“Những doanh nghiệp đã có vị thế trên thị trường xuất khẩu cần nhận định lại vị thế của mình. Bởi, những vị thế đó có thể đúng trong quá khứ, đúng hoặc không đúng trong tương lai, nhưng với biến động rất mạnh của thị trường, chúng tôi đang tập trung vào định vị lại sản phẩm, thị trường, quản trị, công nghệ, mô hình sản xuất và tìm kiếm thêm các cơ hội hợp tác, đầu tư mới”, CEO May 10 cho hay.
Trong báo cáo gửi Bộ Công Thương mới nhất, Sở Công Thương tỉnh Bến Tre cũng thẳng thắn nhìn nhận sự khó khăn của doanh nghiệp dệt may khi không có đơn hàng.
Sở này cho rằng, đa số các doanh nghiệp xuất khẩu chủ lực của tỉnh như dệt may, da giày, túi xách… chưa có đơn hàng lớn cho nguyên năm hoặc bị giảm đơn hàng; nhiều khách hàng nước ngoài đề xuất giá mua rất thấp.
Đồng thời, các doanh nghiệp gặp khó khăn trong thu mua nguyên liệu phục vụ cho sản xuất; lượng hàng tồn kho của các khách hàng nhập khẩu lớn của các doanh nghiệp tỉnh ở hai thị trường lớn là châu Âu và châu Mỹ còn nhiều.
Đối với tỉnh Lâm Đồng, những doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh cũng không khá khẩm hơn là mấy.
Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng khẳng định: “Khó khăn trong xuất khẩu hàng hoá tỉnh Lâm Đồng trong 3 tháng đầu năm chủ yếu là trong nhóm dệt may”.
Các doanh nghiệp gia công hàng may mặc cho biết, không có đơn hàng, nhiều công ty đến hết tháng 6 vẫn chưa có đơn hàng, trong khi đơn hàng chủ yếu từ Châu Âu và Bắc Mỹ.
Nhóm sản xuất tơ tằm xuất khẩu tuy không khó khăn về đầu ra, nhưng 3 tháng đầu năm thiếu nguyên liệu sản xuất, giá kén nguyên liệu tăng cao.
Để gỡ khó cho ngành hàng dệt may, tỉnh này kiến nghị tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, giảm lãi suất để doanh nghiệp có nguồn vốn duy trì sản xuất, đầu tư máy móc thiết bị, đổi mới công nghệ.
Xuất khẩu có thể đạt 48 tỉ USD nếu suôn sẻ
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho hay, có một tín hiệu vui đối với thị trường dệt may vào cuối năm 2023 là gần đây, đối tác từ châu Âu, Đông Bắc Á, Đông Nam Á… đến tìm hiểu sản phẩm may mặc có xu hướng tăng nhanh so với các tháng trước, đặc biệt đối với phân khúc thời trang công sở.
Do đó, kỳ vọng lượng xuất khẩu nửa cuối năm sẽ tăng so với đầu năm, đưa tổng giá trị xuất khẩu tăng so với năm 2022.
“Năm ngoái chúng ta xuất được hơn 44 tỉ USD, và mục tiêu năm nay là 45-46 tỉ USD, trường hợp thị trường chuyển biến tốt thì có thể lên 47-48 tỉ USD.
Tuy vậy, giá trị xuất khẩu các tháng đầu năm đã giảm mạnh so với năm 2022, nên để cả năm 2023 được tăng trưởng, chúng ta phải nỗ lực rất lớn ở 2 quý cuối năm”, bà Mai nhận định.
Theo đại diện VITAS, để thắng lợi ở nửa cuối năm, ngoài tình hình dịch COVID-19 phải được kiểm soát tốt, ngành dệt may phải đẩy mạnh nhiều giải pháp như chuyển đổi số, sản xuất xanh (nguồn nguyên liệu trong nước, thân thiện môi trường…) để đáp ứng yêu cầu của đối tác, đa dạng thị trường, và chủng loại sản phẩm…
“Mỹ chiếm trên dưới 20% giá trị xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam nhưng đang gặp khó khăn nhiều nhất, trong khi các thị trường như khu vực Đông Nam Á, châu Á… ít bị ảnh hưởng hơn.
Do vậy, chúng ta không thể “bỏ hết trứng vào một rổ”, phải nỗ lực để sớm đa dạng thị trường, sản phẩm mới có thể tồn tại, phát triển”, bà Mai khẳng định.