Sau 18 năm hoạt động tại Việt Nam, Parkson Việt Nam mới đây đã nộp đơn phá sản sau khi sa lầy trong nợ nần.
Cụ thể, Hội đồng quản trị Parkson Retail Asia Limited (Singapore) vừa phát thông báo chính thức về việc Công ty TNHH Parkson Việt Nam – một công ty con của tập đoàn này – đã nộp đơn phá sản tự nguyện lên Tòa án Nhân dân TP Hồ Chí Minh.
Tập đoàn cho biết, suốt một thời gian dài Parkson Việt Nam đã hoạt động thua lỗ. Những khó khăn được chỉ ra do tác động của đại dịch COVID-19, việc thiếu sự hỗ trợ từ chủ mặt bằng của Parkson Việt Nam như không giảm giá thuê hoặc giảm không đáng kể trong thời gian giãn cách xã hội do dịch bệnh. Thuế đất cao cũng là một trong những khó khăn được doanh nghiệp này đưa ra.
Trước tình hình nêu trên, đại diện Parkson Retail Asia Limited xác định rằng việc tiếp tục hoạt động tại Việt Nam không khả thi, doanh nghiệp nộp đơn phá sản là phù hợp nhất trong bối cảnh này. Tuy nhiên, thủ tục này cũng phải được sự chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền có liên quan tại Việt Nam.
Tuy nhiên sau khi “đại gia” ngành bán lẻ một thời như Parkson dừng hoạt động, thị trường Việt Nam kỳ vọng sẽ chứng kiến sự đổ bộ, xuất hiện thêm nhiều đơn vị bán lẻ nước ngoài có tiềm lực mạnh.
Bởi trái ngược với bức tranh kinh doanh thua lỗ của Parkson, Tập đoàn bán lẻ Central Retail Corporation (CRC) vừa công bố khoản đầu tư trị giá 1,45 tỉ USD vào Việt Nam giai đoạn 2023 – 2027 khiến nhiều nhà đầu tư đặc biệt quan tâm.
Một nhà bán lẻ lớn khác là Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) cũng đã có kế hoạch đến năm 2025 sẽ triển khai thêm 16 dự án tại Việt Nam, trong đó có 3 – 4 dự án tại Hà Nội, mục tiêu của Aeon là mở rộng 30 trung tâm mua sắm và siêu thị bách hóa tổng hợp vào 2030.
Kết quả cuộc khảo sát gần đây của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cho thấy, 100% doanh nghiệp bán lẻ Nhật Bản tại Việt Nam đang kỳ vọng lợi nhuận sẽ tăng trong năm 2023. Trong đó, 80% doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng mạng lưới bán lẻ trong 1 – 2 năm tới.
Theo bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương, hệ thống phân phối Việt Nam đang chiếm ưu thế với doanh nghiệp FDI cả về sự hiện diện ở các địa điểm và tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Ngành bán lẻ Việt Nam hiện có quy mô thị trường khoảng 142 tỉ USD và dự báo tăng lên 350 tỉ USD vào năm 2025.
Mặc dù hệ thống bán lẻ Việt Nam chiếm thị phần chủ yếu là bán lẻ truyền thống nhưng nhiều chuyên gia vẫn khuyến cáo, doanh nghiệp Việt Nam cần thận trọng với nhà bán lẻ trong khu vực như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, bởi họ rất hiểu tâm lý người tiêu dùng nội địa. Doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam phải nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách hàng, đa dạng hóa sản phẩm, qua đó giữ vững thị phần, không bị đối thủ ngoại lấn sân.