Theo ông Nguyễn Văn Hưởng – Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do kì nghỉ lễ kéo dài nên thời tiết có nhiều sự biến động và phân hóa.
Thưa ông, ông có thể cho biết tình hình thời tiết dịp nghỉ lễ 30.4 – 1.5 có gì đáng chú ý?
– Kì nghỉ lễ 30.4 – 1.5 năm nay kéo dài 5 ngày nên thời tiết có nhiều sự biến động. Theo nhận định của chúng tôi, trong khoảng thời gian từ ngày 28.4 đến sáng 30.4, các tỉnh miền Bắc có khả năng sẽ chịu ảnh hưởng của đợt không khí lạnh yếu cuối mùa kết hợp với hội tụ gió trên cao.
Từ ngày 28 – 30.4 ở Bắc Bộ và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh có khả năng xuất hiện mưa rào và dông trên diện rộng; cục bộ có nơi mưa to và dông mạnh, nguy cơ hiện tượng lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Từ ngày 1 – 3.5 khu vực Bắc Bộ và các tỉnh Trung Bộ, thời tiết phổ biến nắng ráo, ít mưa. Ở khu vực vùng núi phía Tây Bắc Bộ các tỉnh từ Thanh Hóa – Thừa Thiên Huế có khả năng xảy ra nắng nóng cục bộ.
Khu vực Tây Nguyên phổ biến ít mưa, có nơi có nắng nóng. Khu vực miền Đông Nam Bộ vẫn xảy ra nắng nóng.
Ông có thể thông tin cụ thể hơn về xu thế thời tiết dịp nghỉ lễ tại các điểm du lịch nổi bật trên cả nước như: Sa Pa, Hà Nội, Nha Trang, Phú Quốc, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Đà Lạt…?
– Các tỉnh/thành phố cũng như các điểm du lịch ở miền Bắc cần lưu ý khoảng ngày 28 – 29.4 và sáng 30.4 có khả năng xảy ra mưa rào và dông. Những ngày sau đó, thời tiết chủ yếu tạnh ráo và có nắng
Tuy nhiên, tình hình nắng ở các tỉnh miền Bắc sẽ không gay gắt. Như vậy, thời tiết ở khu vực này từ ngày 1 – 4.5, tương đối thuận lợi.
Còn các điểm du lịch ở các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên (như Nha Trang, Đà Lạt, Quy Nhơn) chịu tác động của khối không khí ổn định nên thời tiết trong những ngày nghỉ lễ không biến động.
Tại khu vực Nam Bộ khả năng sẽ xảy ra nắng nóng về trưa và chiều, tuy nhiên mức nhiệt sẽ không quá cao, phổ biến từ 35-36 độ C.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, việc xuất hiện không khí lạnh vào thời điểm cuối tháng 4 này có gì bất thường hay không thưa ông?
– Theo thống kê của chúng tôi thì trung bình nhiều năm, tháng 4 là tháng có những tác động các các đợt không khí lạnh. Thậm chí, hình thế thời tiết này có thể kéo dài tới ngày đầu tháng 5.
Như vậy, không khí lạnh xuất hiện vào thời điểm cuối tháng 4 là tương đối bình thường.
Tuy nhiên, tác động của không khí lạnh vào thời điểm này thường có sự tranh chấp giữa không khí lạnh và không khí nóng, nên có khả năng sẽ gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Ngoài ra, sự tranh chấp giữa 2 luồng không khí lạnh-nóng trên, có thể gây ra các hiện tượng thiên tai kèm theo như nguy cơ xảy ra hiện tượng trượt lở đất đá ở khu vực miền núi phía bắc do mưa lớn.
Trước diễn biến thời tiết như vậy, ông có khuyến cáo gì đối với người dân, đặc biệt là những người đi du lịch đợt nghỉ lễ?
– Trong hai ngày đầu của kỳ nghỉ lễ từ 29 – 30.4, khu vực Bắc Bộ và phía Bắc Trung Bộ có khả năng xuất hiện mưa dông mạnh có khả năng kèm theo lốc, sét, mưa đá và gió giật, nên người dân cần lưu ý.
Còn từ giai đoạn 1 – 3.5, thời tiết phổ biến là ít mưa, trời nắng, có nắng nóng cục bộ ở khu vực phía tây và khu vực vùng núi Trung Bộ; khu vực miền Đông Nam Bộ. Vì thế, người dân khi đi du lịch cần lưu ý tới hiện tượng nhiệt độ tăng cao vào trưa và chiều, có thể gây sốc nhiệt.
Trân trọng cảm ơn ông!