Cụ thể, trong công văn trình Chính phủ, Bộ Tài chính nêu trước đây, việc giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được thực hiện trong bối cảnh dịch COVID-19 trong nước và trên thế giới còn nghiêm trọng.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, do đó việc tiếp tục thực hiện giảm mức thu LPTB đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước ở thời điểm hiện nay là kéo dài quá thời gian cần thiết như ý kiến của Bộ Ngoại giao.
Việc giảm 50% mức thu LPTB đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước trong thời gian qua được đánh giá là chưa tuân thủ hoàn toàn quy định theo nguyên tắc Đối xử quốc gia của Việt Nam trong khuôn khổ WTO, các FTA, nguy cơ bị phản ứng, khiếu kiện từ các nhà nhập khẩu và các tổ chức quốc tế.
Bộ Tài chính cũng cho rằng, việc thực hiện giảm mức thu LPTB đối với ôtô là chưa đảm bảo phù hợp với chủ trương của Chính phủ trong việc tăng cường đảm bảo trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 – 2025.
Cuối năm 2022 và đầu năm 2023, để kịp thời, chủ động trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, Bộ Tài chính đã và đang đề xuất triển khai một số giải pháp ngay từ đầu năm 2023 để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân (trong đó có doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước) với tổng gói hỗ trợ khoảng 186.500 tỉ đồng (trong đó gói miễn, giảm thuế là 76.500 tỉ đồng và gói gia hạn thuế là 110.000 tỉ đồng).
Từ những phân tích trên, Bộ Tài chính trình Chính phủ chưa thực hiện giảm 50% mức thu LPTB đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước như đề nghị của UBND các tỉnh Quảng Nam, Ninh Bình, Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam và Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam.
Trường hợp Thủ tướng Chính phủ quyết định việc thực hiện chính sách giảm mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, Bộ Tài chính đề nghị cân nhắc một trong hai phương án sau:
Phương án 1: Giảm 50% mức thu LPTB đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước. Có nhược điểm nguy cơ bị phản ứng, khiếu kiện từ các nhà nhập khẩu và các tổ chức quốc tế; giảm thu ngân sách khoảng 8.000 – 9.000 tỉ đồng…
Phương án 2: Giảm 50% mức thu LPTB đối với cả ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và ôtô nhập khẩu. Có nhược điểm là chưa tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước, giúp ngành sản xuất ôtô trong nước vượt qua khủng hoảng vì người dân sẽ ưu tiên mua xe ô tô nhập khẩu hơn xe ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước và giảm thu ngân sách.
“Trường hợp Thủ tướng Chính phủ quyết định giảm mức thu LPTB đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước theo một trong hai phương án nêu trên, đề nghị: (i) Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng Nghị định giảm mức thu LPTB đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước năm 2023 theo trình tự, thủ tục rút gọn; (ii) Giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng phương án ứng phó trong trường hợp bị khởi kiện vi phạm các cam kết quốc tế” – Bộ Tài chính nêu trong văn bản trình Chính phủ .