Cách đây vài tháng, con trai học lớp 9 của chị M.H (quận Thanh Xuân, Hà Nội) trở về nhà với vẻ mặt buồn bã và kiên quyết đòi mẹ cho đăng kí học nghề, không dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sắp tới. Chị M.H gặng hỏi thì con tâm sự: “Cô giáo đọc danh sách các bạn đủ năng lực thi vào cấp 3 không có tên con. Mẹ đừng kỳ vọng vào con”.
Nghe con trai nói ra những điều này, chị M.H không khỏi chạnh lòng, xót xa bởi cách đó ít ngày, chị cũng đã được giáo viên chủ nhiệm mời lên để làm công tác “định hướng, phân luồng”.
Gọi là “định hướng, phân luồng”, nhưng thực tế, là giáo viên chủ nhiệm tìm mọi cách để “ép” gia đình viết đơn tự nguyện không đăng kí cho con thi vào lớp 10.
“Cô giáo không không nói thẳng là con không được thi vào lớp 10, nhưng lại doạ nạt, nếu vẫn đăng kí thi, thì sẽ để học bạ theo đúng học lực của con. Như vậy, con sẽ không đủ điều kiện xét tốt nghiệp THCS và đương nhiên sẽ không đủ điều kiện tham dự kỳ thi” – chị M.H chua xót kể lại.
Mặc dù học lực chưa được tốt như gia đình kỳ vọng, nhưng con vẫn có nguyện vọng thi đỗ vào trường THPT công lập. Do đó, chị M.H luôn động viên con cố gắng học tập trong giai đoạn nước rút. Tuy nhiên, những lời “định hướng” của giáo viên chủ nhiệm khiến gia đình chị và bản thân con trai không khỏi nhụt chí.
Mang danh “tự nguyện”, nhưng thực chất, chị không hề muốn kí vào lá đơn này để tước đi quyền được học, được tham dự kỳ thi của con.
“Lớp con có 45 bạn thì có đến gần 1/3 số phụ huynh được mời lên làm công tác “phân luồng” như gia đình tôi. Đây là tình trạng chung, không phải riêng mình trường con tôi theo học” – chị M.H nói và khẳng định, việc làm này của các trường là để giảm thiểu tỉ lệ học sinh không đỗ bậc THPT.
Gia đình chị M.H không là là trường hợp duy nhất bị vận động “tự nguyện” không cho con tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Nhiều năm qua, mỗi mùa tuyển sinh, Báo Lao Động đã liên tục phản ánh sự việc này, nhưng vì lý do sợ con bị trù dập, mong con có môi trường bình yên để học tập và phát triển, phụ huynh không muốn đứng ra đối chất với nhà trường hay lên tiếng về sự việc nữa.
Ông Phạm Xuân Tiến – Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội cho rằng, ranh giới giữa việc tư vấn, định hướng với việc có dấu hiệu ép buộc học sinh không tham gia kỳ thi rất mong manh. Nếu cô giáo ứng xử không khéo léo có thể khiến phụ huynh học sinh hiểu nhầm, dẫn đến câu chuyện đáng tiếc. Tuy nhiên, cần xem xét ở từng tình huống cụ thể.
Ông Tiến cũng cho biết thêm, vài năm trước, tại một vài trường cũng có hiện tượng giáo viên định hướng học sinh có học lực thấp hơn các bạn nên lựa chọn đăng ký nguyện vọng lớp 10 ở các loại hình trường phù hợp với năng lực học tập của các con.
Thực tế, có phụ huynh học sinh đã quyết định cho con học trường nghề hoặc trường tư thục ngay trước khi kỳ thi lớp 10 diễn ra, mặc dù trước đó đã viết đơn đăng ký nguyện vọng vào lớp 10 trường công lập.
“Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, cũng có trường hợp bị nhà trường ép buộc, khiến phụ huynh học sinh bức xúc. Đây là điều rất đáng tiếc” – Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội nói và khẳng định, nếu phát hiện đơn vị, trường học nào để xảy ra vi phạm, làm ảnh hưởng đến quyền lợi học tập và dự thi của học sinh, Sở sẽ nghiêm khắc xử lý.