Chênh lệch tỉ lệ tuyển sinh vào lớp 10 giữa các quận
Mùa tuyển sinh năm 2022, nhiều trường THPT tại Hà Nội có mức điểm chuẩn trên 40 điểm. Với mức điểm chuẩn này, tại 1 số trường THPT, nếu không có điểm ưu tiên thì kể cả đạt mức điểm giỏi là 8 điểm/môn, các thí sinh vẫn trượt.
Chẳng hạn như Trường THPT Chu Văn An (43,25 điểm), THPT Yên Hòa (42,25 điểm), THPT Phan Đình Phùng (42 điểm), THPT Nguyễn Thị Minh Khai, THPT Lê Quý Đôn – Hà Đông , THPT Việt Đức, THPT Nguyễn Gia Thiều (41,75 điểm), THPT Thăng Long (41,5 điểm),…
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, nhiều trường có điểm chuẩn mà mức điểm bình quân mỗi môn của thí sinh đạt từ 3 điểm đã có thể trúng tuyển.
Cụ thể, trong 116 trường THPT công lập không chuyên, 27 trường lấy điểm chuẩn dưới 25 điểm.
Các trường có mức điểm chuẩn thấp nhất của Hà Nội năm nay là Trường THPT Bắc Lương Sơn (15 điểm). Xếp tiếp theo đó là các trường THPT Mỹ Đức C (15,75 điểm); THPT Đại Cường (16,5 điểm); Trường THPT Minh Quang và THPT Bất Bạt có (17 điểm); Trường THPT Ba Vì (17,5 điểm);…
Thực tế, câu chuyện này đã diễn ra trong nhiều năm nay. Các trường có điểm chuẩn cao đều tập trung ở các khu vực nội thành – nơi dân cư tập trung đông đúc. Còn các trường có điểm chuẩn thấp thường ở khu vực ngoại thành.
Tình trạng này có tiếp diễn?
Nói về tỉ lệ tuyển sinh vào lớp 10 ở các quận, đặc biệt là những quận “hot”, có tỉ lệ chọi cao, ông Nghiêm Văn Bình, Phó Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GDĐT Hà Nội cho rằng, số lượng học sinh vào các trường công lập năm nay có tăng hơn cho với các năm trước. Số lượng học sinh vào các trường theo quận cũng không đồng đều. Tuy nhiên, toàn thành phố đã chia thành 12 khu vực tuyển sinh. Mỗi khu vực đều có 4, 5 trường THPT công lập trở lên để giúp học sinh lựa chọn.
“Ví dụ, quận Cầu Giấy, ngoài Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam thì chỉ có 2 trường là THPT Yên Hòa và THPT Cầu Giấy. Tuy nhiên, với khu vực tuyển sinh là khu vực 3 gồm các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Đống Đa thì số lượng các trường nhiều hơn.
Ngoài ra, các em được đăng ký 3 nguyện vọng, trong đó có 1 nguyện vọng ở khu vực bất kỳ. Đó là mong muốn của Sở GDĐT Hà Nội giúp các em có thêm cơ hội lựa chọn và trúng tuyển vào ngôi trường mình mơ ước” – ông Bình nói.
Năm học tới, Hà Nội dự kiến có 129.210 học sinh dự thi xét công nhận tốt nghiệp THCS. Trong đó, khoảng 72.000 em được tuyển vào THPT công lập (chiếm 55,7%, tăng 1.000 em so với năm ngoái), 30.000 em vào các trường công lập tự chủ hoặc tư thục (23,2%).
Tuyển sinh vào trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên khoảng 10.000 học viên, chiếm tỷ lệ 7,7%. Tuyển sinh vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khoảng 17.210 học viên, chiếm tỷ lệ 13,4%
Trong khi những năm trước, chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập tại Hà Nội khoảng 60-62%, con số này chỉ gần 56%. Do đó, kỳ thi năm nay được dự đoán là sẽ căng thẳng và khốc liệt hơn năm ngoái.
Theo kế hoạch, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm nay diễn ra trong hai ngày 10 và 11.6. Thí sinh sẽ tham dự 3 bài thi Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ.
Đề thi gồm các câu hỏi theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng thuộc chương trình THCS hiện hành của Bộ GDĐT, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9. Trong đó, đề thi môn Toán và Ngữ văn bảo đảm 4 cấp độ nhận thức gồm: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cấp độ cao. Đề thi môn Ngoại ngữ chủ yếu ở cấp độ nhận biết, thông hiểu và có một số câu ở cấp độ vận dụng.