Từ đường bộ đến đường sông
Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM đã tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Tuấn Anh – Phó Trưởng phòng Tàu sông thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam – cùng 3 người khác về tội “Nhận hối lộ”. 3 người khác cùng bị khởi tố, gồm các ông: Phạm Đình Thắm (Đăng kiểm viên Phòng Tàu sông); Lương Đức Thái và Vũ Đức Nhất (cùng giữ chức vụ Phó Giám đốc Chi cục Đăng kiểm Hải Hưng, tỉnh Hải Dương).
Đại diện Công an TPHCM cho biết, mở rộng điều tra vụ án “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ” xảy ra tại Chi cục đăng kiểm số 6 (TPHCM) và Chi cục đăng kiểm số 9 (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định, ngoài việc đưa tiền cho các đăng kiểm viên tại 2 Chi cục trên để bỏ qua các lỗi trong quá trình thực hiện kiểm định, cấp giấy chứng nhận an toàn kĩ thuật và bảo vệ môi trường cho phương tiện thủy nội địa, các đối tượng còn tiến hành lập hồ sơ thẩm định thiết kế, sau đó liên hệ, móc nối với cán bộ thuộc Phòng Tàu sông để được cấp giấy chứng nhận thẩm định thiết kế các phương tiện đóng mới, thẩm định thiết kế hoán cải, cải tạo.
Bên cạnh đó, trong quá trình điều tra vụ án “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên” xảy ra ngày 6.5.2022 tại khu vực biển Cồn Ngựa (huyện Cần Giờ), Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM đã tạm giữ các tàu mà các đối tượng đã sử dụng để khai thác cát trái phép.
Quá trình điều tra về các phương tiện này, Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định một số đăng kiểm viên Chi cục Đăng kiểm Hải Hưng và Phòng Tàu sông đã nhận hối lộ trong quá trình thực hiện việc cấp thẩm định thiết kế và đăng kiểm đối với các phương tiện này.
Trước đó, Báo Lao Động cũng thông tin về việc giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 11 – Cục Đăng kiểm Việt Nam và 3 đăng kiểm viên dưới quyền vừa bị Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Thái Bình khởi tố, bắt tạm giam về hành vi nhận hối lộ để bỏ qua các lỗi đăng kiểm phương tiện đường thủy nội địa trên địa bàn.
Quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã phát hiện, làm rõ việc lãnh đạo, cán bộ đăng kiểm thuộc Chi cục Đăng kiểm số 11 có hành vi nhận tiền từ các chủ phương tiện thủy nội địa đến làm thủ tục đăng kiểm để bỏ qua những lỗi về kĩ thuật, bảo vệ môi trường, qua đó cấp Giấy chứng nhận an toàn kĩ thuật và bảo vệ môi trường cho các phương tiện thủy nội địa không đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định.
Cụ thể, các đối tượng đã nhận hàng trăm triệu đồng từ các chủ phương tiện thủy nội địa khác nhau để giúp các chủ phương tiện này vượt qua các khâu kiểm tra, thẩm định phương tiện mà không cần phải khắc phục các lỗi như: Không đầy đủ thiết bị neo đậu; thiếu trang bị phòng cháy, chữa cháy, trang bị cứu sinh; không cho tàu lên đà… Bên cạnh đó, phương tiện tàu thuyền đã qua hoán cải, thay đổi kích cỡ, công năng vận hành máy cũng được làm ngơ để bỏ qua các lỗi vi phạm.
Theo tìm hiểu, các phương tiện này sau khi được cấp chứng nhận đủ điều kiện đã vô tư hàng ngày, hàng giờ lưu thông trên các tuyến giao thông đường thủy, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, chìm đắm phương tiện, cháy nổ, hỏa hoạn…
Bổ sung nhiều hành lang pháp lí
Dự thảo thông tư “Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 48 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải quy định về đăng kiểm phương tiện thủy nội địa” đưa ra mục đích của việc sửa đổi lần này là: Điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hành lang pháp lí đối với phương tiện thể thao, vui chơi giải trí, môtô nước nhập khẩu về sử dụng mục đích thể thao, vui chơi giải trí, theo đó bổ sung giải thích từ ngữ và không yêu cầu lập hồ sơ thiết kế đối với loại phương tiện này. Đơn giản hóa hồ sơ phải nộp đối với các phương tiện và sản phẩm công nghiệp nhập khẩu đã được kiểm tra và chứng nhận bởi các tổ chức nước ngoài như Hiệp hội phân cấp tàu quốc tế (IACS) hoặc các tổ chức được các quốc gia có tiêu chuẩn chất lượng tiên tiến thừa nhận.
Bên cạnh đó, theo quy định về việc trình bản gốc hồ sơ thiết kế đã được thẩm định đối với sản phẩm công nghiệp nhập khẩu về Việt Nam chưa được cơ quan đăng kiểm nước ngoài kiểm tra hoặc đã được kiểm tra bởi cơ quan đăng kiểm nước ngoài nhưng chưa được Cục Đăng kiểm Việt Nam thừa nhận. Trong thực tế, việc trình bản gốc hồ sơ thiết kế này là không khả thi vì không cơ quan đăng kiểm nước ngoài nào cung cấp bản gốc hồ sơ thiết kế hoặc nếu lập lại hồ sơ thiết kế thì cũng không đáp ứng được yêu cầu quy chuẩn.
Đơn giản hóa hồ sơ phải nộp đối với phương tiện đóng theo một hồ sơ thiết kế đã được thẩm định, cùng một cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa và cùng đơn vị giám sát thì nộp bản sao hồ sơ thiết kế mà phương tiện dự định đóng theo. Việc này sẽ giảm bớt được chi phí thực hiện thủ tục.
Ngoài ra, việc đưa tên “chủ sử dụng thiết kế” vào Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế và “chủ phương tiện” vào Giấy chứng nhận an toàn kĩ thuật và bảo vệ môi trường gây phát sinh thủ tục đối với tổ chức, cá nhân và gây khó khăn cho cơ quan đăng kiểm do cơ quan đăng kiểm thực hiện công tác đăng kiểm nhằm đảm bảo an toàn kĩ thuật và bảo vệ môi trường cho phương tiện chứ không liên quan đến việc sở hữu hay sử dụng hồ sơ thiết kế và phương tiện.
Do vậy dự thảo lần này sửa đổi theo hướng bỏ nội dung này, cơ quan đăng kiểm sẽ cấp giấy chứng nhận an toàn kĩ thuật và bảo vệ môi trường cho phương tiện và việc nhận diện phương tiện sẽ thông qua số kiểm soát và số đăng kiểm của tàu. Cơ quan đăng kí sẽ căn cứ theo số kiểm soát và số đăng kiểm của tàu đăng kí chủ sở hữu.