Mất khoảng 8-9 tháng để triển khai trạm dừng nghỉ
Theo đó, dự án cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây dài 99 km thì sẽ được đầu tư 2 trạm dừng nghỉ ở cả 2 hướng tuyến, mỗi trạm dừng nghỉ có diện tích 2 ha. Vị trí dự kiến đặt ở giữa tuyến cao tốc, đoạn giữa tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Thuận.
Trạm dừng nghỉ sẽ có các hạng mục chính như: Bãi đỗ xe, nhà vệ sinh, trạm xăng, và khu nghỉ ngơi…
Ban quản lý dự án Thăng Long, việc triển khai các trạm dừng còn liên quan tới công tác thiết kế, đấu thầu, phê duyệt chọn lựa nhà đầu tư nên thời gian triển khai trạm dừng mất khoảng từ 8-9 tháng, chưa kể còn liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng thêm.
Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản yêu cầu triển khai chọn lựa nhà đầu tư thực hiện trạm dừng nghỉ.
Cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây có điểm đầu nằm trên đường từ QL1A đi Mỹ Thạnh (cách quốc lộ 1A khoảng 2,6km) – tỉnh Bình Thuận. Điểm cuối kết nối với tuyến đường cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây tại khoảng Km43+125. Chiều dài tuyến khoảng 99 Km. Tổng mức đầu tư giai đoạn phân kì khoảng 12.577 tỉ đồng.
Việc khánh thành cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây dự kiến ngày 29.4 sẽ góp phần từng bước hoàn chỉnh Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam, đặc biệt là tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 1.3.2016.
Tuyến cao tốc này cũng rút ngắn hành trình từ TP Hồ Chí Minh đến các trung tâm du lịch và mở ra cơ hội đầu tư vào khu vực miền Nam Trung bộ; khắc phục tình trạng ách tắc giao thông và giảm thiểu tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra trên QL1A.
Đồng thời, cao tốc này còn giải quyết nhu cầu vận tải hành khách và hàng hoá giữa khu vực đầu mối trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với khu vực miền Đông Nam Bộ và Nam Trung bộ cũng như từ Bắc vào Nam.
Tạo điều kiện thúc đẩy nhanh sự hình thành và phát triển các khu công nghiệp, du lịch dọc tuyến, các khu du lịch sinh thái dọc biển của Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hoà.
Hướng dẫn đi cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây
Cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây, đoạn qua Đồng Nai dài 51,5km, Bình Thuận dài 47,5km. Nếu đi từ TP Hồ Chí Minh, từ nút giao An Phú, Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) ô tô vào cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, qua khỏi nút giao QL51 và cả trạm dừng chân trên tuyến này, đến Km43 sẽ gặp nút giao rất lớn. Đây là nút giao với cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết.
Tài xế rẽ phải vào đường nhánh để bắt đầu đi vào cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết. Từ đây tài xế chạy một mạch 99 km đến cuối tuyến, đi thêm 2,6 km để ra QL1A.
Dọc tuyến cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết có nhiều nút giao khá lớn với các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ. Đầu tiên là nút giao với QL56, nếu rẽ phải theo QL56 sẽ đi về hướng huyện Châu Đức (Bà Rịa – Vũng Tàu); còn rẽ trái theo hướng QL56 sẽ về TP Long Khánh (Đồng Nai).
Tiếp tục chạy trên cao tốc sẽ gặp nút giao với tỉnh lộ 765 đi qua xã Suối Cát (huyện Xuân Lộc) ra QL1A.
Chạy tiếp một đoạn sẽ gặp nút giao rất lớn với QL1A qua huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai.
Tiếp tục chạy trên cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết đến điểm giao với QL55B rẽ phải là ra Thị xã La Gi (tỉnh Bình Thuận).