Quý I.2023, toàn quốc xảy ra gần 3.000 vụ tai nạn giao thông, trong đó 12 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, một số vụ gây hậu quả thảm khốc làm chết nhiều người trong cùng địa phương, cùng gia đình; khoảng 70% nạn nhân tai nạn giao thông trong độ tuổi lao động gây tổn thương đến gia đình người bị nạn và toàn xã hội. Tai nạn giao thông liên quan phương tiện vận tải hành khách có chiều hướng gia tăng, chiếm 7,6% tổng số vụ tai nạn.
Còn theo thông tin từ Công an Hà Nội từ đầu năm 2023 đến nay, toàn thành phố xảy ra 130 vụ tai nạn giao thông, làm khoảng 60 người chết, hơn 100 người bị thương.
Cũng trong quý I/2023, lực lượng Công an thành phố Hà Nội đã xử lý 71.167 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, phạt tiền trên 148,3 tỉ đồng.
Trong đó, xử lý vi phạm nồng độ cồn gần 20.000 trường hợp; chiếm 14,1% tổng số xử lý vi phạm nồng độ cồn của cả nước.
Thông qua việc tăng cường xử phạt, người tham gia giao thông dần hình thành thói quen “đã uống rượu, bia thì không lái xe”.
Tuy nhiên, dịp nghỉ lễ 30.4, tiềm ẩn nhiều trường hợp lái xe sau khi sử dụng rượu bia.
Vấn đề này được xử lý triệt để khi mới đây Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19.4 về việc về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới, trong đó có việc nghiêm cấm vi phạm nồng độ cồn trong tham gia giao thông.
Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ cũng nghiêm cấm cán bộ, đảng viên can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng; nghiêm cấm lực lượng chức năng “xuê xoa”, bỏ qua trong xử lý vi phạm dưới mọi hình thức.
Mọi cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật về giao thông phải được thông báo về cơ quan, đơn vị để xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, của từng ngành, cơ quan, đơn vị.
Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo các đơn vị tiếp tục thực hiện quyết liệt việc kiểm soát, xử lý đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn nhằm tạo chuyển biến tích cực, tiến tới hình thành thói quen, văn hóa “đã uống rượu bia thì không lái xe”, trước hết trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang đến nhân dân.
Từng địa phương phải có kế hoạch cụ thể để kiểm soát nồng độ cồn đối với từng tuyến, từng địa bàn, tập trung các thành phố, thị xã, thị trấn, khu công nghiệp đông công nhân, khu du lịch… Tuyệt đối không vì lợi ích kinh tế mà xem nhẹ việc phòng, chống tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe nhân dân, cộng đồng, an toàn giao thông, trật tự an toàn xã hội.