Lần đầu tiên phẫu thuật cho một bệnh nhân rất cao tuổi
Vừa kết thúc ca phẫu thuật, PGS.TS Lê Ngọc Tuyến – Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ – Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội vội thay áo blouse trắng, mỉm cười hạnh phúc và chia sẻ với chúng tôi: “Đây là bệnh nhân cao tuổi nhất mà chúng tôi thực hiện phẫu thuật.
Sau 1 tiếng 15 phút, chúng tôi đã hoàn thành ca phẫu thuật với kết quả khả quan. Mặc dù cả gia đình và các y bác sĩ cũng đều hết sức lo lắng cho cụ, nhưng với quyết tâm rất lớn, chúng tôi đã thành công” – PGS Tuyến chia sẻ.
Bệnh nhân bị ung thư da, ung thư tế bào đáy của da – đây cũng là một loại ung thư thường gặp. Tuy nhiên, do bệnh nhân cao tuổi, đi nhiều cơ sở y tế đều lắc đầu, không điều trị được nên khối u ngày càng lớn dần lên, choán chiếm vùng mặt của bệnh nhân, làm ảnh hưởng đến các chức năng, chèn vào mũi khiến bệnh nhân khó thở, chèn vào miệng khiến việc ăn uống, phát âm cũng ngày càng khó khăn.
“Khối u ngày càng phát triển, khiến cho bệnh nhân khổ sở, còn con cháu, gia đình cụ hết sức lo lắng, sốt ruột, tìm mọi cách để điều trị cho cụ” – PGS Tuyến chia sẻ.
Khi gia đình đưa cụ đến bệnh viện, các bác sĩ đã thăm khám, thực hiện đầy đủ các xét nghiệm, tiến hành hội chẩn và đánh giá vẫn còn cơ hội để phẫu thuật cho cụ.
Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội đã từng phẫu thuật thành công những khối u lớn và rất phức tạp. Thế nhưng, lần đầu tiên đối mặt với một ca bệnh khó vì bệnh nhân đã quá cao tuổi, các bác sĩ đã phải trăn trở không ít.
“Chúng tôi đặt ra nhiều giả thuyết, nhiều yếu tố gây bất lợi cho cuộc mổ. Nếu gây mê, bệnh nhân có nguy cơ không thể tỉnh lại. Thế nhưng, với một khối u lớn như vậy trên mặt, nếu không phẫu thuật, thì cửa sống của bệnh nhân cũng quá mong manh” – PGS Tuyến nói.
Trước sự quyết tâm của những người thân trong gia đình cụ, trước sự tự tin vào chuyên môn và tay nghề của đội ngũ bác sĩ, lãnh đạo bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương quyết định thực hiện ca phẫu thuật, hội chẩn kỹ càng, lựa chọn phương án tốt nhất cho bệnh nhân.
Chia sẻ về ca bệnh đặc biệt này, PGS.TS Nguyễn Quang Bình – Phó Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương, Trưởng khoa Gây mê Hồi sức không khỏi trăn trở: “Tôi đã mất ngủ cả đêm khi nghĩ về ca phẫu thuật. Cụ đã 105 tuổi – một độ tuổi mà chúng tôi chưa từng tiến hành phẫu thuật. Thế nhưng, cụ và gia đình rất quyết tâm, cả gia đình đã bàn bạc kỹ, quyết định chữa bệnh cho cụ. Khi bệnh viện tiếp nhận ca bệnh này, người thân của cụ đã rất xúc động”.
Khó khăn nhất của ca mổ chính là bệnh nhân quá cao tuổi, 105 tuổi. Tiếp đó là các vấn đề về huyết áp, bệnh nhân cũng đã có 1 vài lần tai biến nhẹ. Các bác sĩ đã phải đánh giá kỹ lưỡng, cân nhắc các yếu tố khó khăn, thuận lợi, nguy cơ có thể xảy ra trong quá trình phẫu thuật, những gì có thể làm được cho cụ.
Kỹ thuật, máy móc hiện đại, chuyên môn cao và sự quyết tâm
Trên cơ thể người già có rất nhiều yếu tố khó khăn trong gây mê răng hàm mặt. Phương pháp được các chuyên gia lựa chọn là an thần tỉnh – phương pháp sử dụng thuốc an thần với một lượng vừa phải, bệnh nhân vẫn có thể nói chuyện được trong lúc phẫu thuật, có thể đáp ứng những chỉ lệnh của bác sĩ, giúp bệnh nhân giảm lo sợ, hợp tác tốt và ít bị biến loạn trên tim mạch và hô hấp.
“Chúng tôi kết hợp gây tê tại chỗ, giúp cho bệnh nhân đủ sức chịu đựng một cuộc mổ kéo dài. Trong quá trình mổ, mạch và huyết áp của bệnh nhân luôn được kiểm soát trong giới hạn cho phép. Ngay sau đó, bệnh nhân tỉnh táo, tình trạng trở về bình thường” – PGS Bình chia sẻ lại khoảnh khắc đáng nhớ.
Bằng việc áp dụng các kỹ thuật mới nhất, các thiết bị tiên tiến nhất cũng được huy động cho ca mổ. Thiết bị đo độ đau, điều chỉnh để bệnh nhân ở mức độ bệnh nhân có thể chịu được. Chúng tôi đặt sự an toàn của bệnh nhân lên trên hết. Hiệu quả cuối cùng là ca mổ đã thành công, các chỉ số sau mổ về bình thường, bệnh nhân tỉnh táo như trước khi mổ, các chỉ số mạch, huyết áp trở lại bình thường.
“Chúng tôi vô cùng cảm động trước một gia đình mà con cái rất hiếu thảo với mẹ. Họ quyết tâm đưa mẹ đi khắp các cơ sở y tế để tìm cách cứu chữa. Chúng tôi cũng cân nhắc, đánh giá cẩn thận, đưa ra các yếu tố thuận lợi, khó khăn, chia sẻ với gia đình”.
“Bên cạnh nghĩa vụ, là cái tâm của người thầy thuốc phải cứu chữa người bệnh đến cùng, các bác sĩ cũng đều tâm niệm rằng người già đều phải được chăm sóc, phụng dưỡng, tận hiếu, để không ai bị bỏ lại phía sau, theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Tôi cứ nghĩ cũng như bố mẹ mình vậy, còn một tia hy vọng chúng tôi cũng sẽ cứu chữa” – PGS Bình hai mắt rưng rưng khi nhắc nhớ đến cha mẹ già của mình.
Ca phẫu thuật cho bệnh nhân 105 tuổi đã được thực hiện thành công, bằng những nỗ lực rất lớn của những người thầy thuốc. Ngay sau cuộc phẫu thuật, bệnh nhân đã tỉnh táo, trò chuyện cùng các bác sĩ trong sự mừng vui và hạnh phúc của gia đình.
“Không phải cứ người cao tuổi bị ung thư là sẽ chán nản, buông xuôi, bỏ điều trị. Đây là quan niệm sai lầm của một số người. Chỉ cần bệnh nhân và gia đình quyết tâm điều trị, chúng tôi sẽ cố gắng đến cùng để cứu chữa người bệnh” – PGS Tuyến nói.