Kỳ vọng thị trường bất động sản sớm “tan băng”
Một trong những khó khăn chính nhiều doanh nghiệp bất động sản gặp phải trong thời gian gần đây là tình trạng thiếu vốn, thanh khoản kém, có nguy cơ “chết trên đống tài sản”.
Nhiều đơn vị đã tái cơ cấu đầu tư, thay đổi phương án kinh doanh, phải dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công dự án. Thậm chí, có doanh nghiệp bất động sản phải thu hẹp quy mô sản xuất, chuyển nhượng bớt dự án hay tung ra chiết khấu “khủng” để thu hút dòng tiền.
Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA), thị trường bất động sản đang rất khó khăn. “Có thể nói, 2022 là năm khó khăn khắc nghiệt nhất.
Theo thống kê, có gần 1.200 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tăng 38,7% so với năm 2021. Vì vậy, 2023 là năm có tính quyết định sống còn đối với các doanh nghiệp bất động sản” – ông Châu cho biết.
Kết thúc quý I/2023, dù nền kinh tế đang có dấu hiệu hạ nhiệt tăng trưởng, tuy nhiên giới chuyên gia cho rằng, chính một loạt chính sách kinh tế vĩ mô sẽ giúp thị trường bất động sản “tan băng”, đi qua giai đoạn “hoang mang cục bộ”.
Chia sẻ với PV Lao Động, ông Trần Minh Tiến – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thị trường và Am hiểu Khách hàng One Mount Real Estate – cho rằng, thị trường bất động sản vẫn có những tín hiệu tích cực từ yếu tố vĩ mô: “Nền kinh tế Việt Nam được kỳ vọng phát triển ổn định, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn của thị trường bất động sản và nhiều ngân hàng giảm lãi suất cho vay trong quý 1/2023, đặc biệt là lãi suất cho vay mua nhà”.
Trong khi đó, ông Trần Quang Trung – Giám đốc phát triển kinh doanh OneHousing nhận định, những tín hiệu tích cực từ vĩ mô liên quan đến nguồn vốn tín dụng và pháp lý thông qua Nghị quyết 33 và Nghị định 08 mới được ban hành, cho thấy giai đoạn “hoang mang cục bộ” đã qua.
Thị trường đang đi vào giai đoạn sàng lọc và phân loại đối với cả chủ đầu tư lẫn nhà đầu tư. Đầu năm nay, nhiều chủ đầu tư đã phải rời cuộc chơi và cơ cấu lại. Nhưng ngược lại, vẫn có nhiều chủ đầu tư vẫn có thể “tồn tại” được, nhờ năng lực quản trị và năng lực triển khai tốt của chủ đầu tư đó.
“Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước cũng đã hạ lãi suất điều hành, đó chính là bước tiền trạm trước cho việc giảm lãi suất huy động, lãi suất cho vay. Lãi suất huy động giảm đồng nghĩa với việc lãi suất cho vay sẽ giảm.
Lộ trình mà chúng ta nhìn thấy dấu hiệu khủng hoảng của bất động sản là lãi suất lên đến đỉnh điểm, hiện tại lãi suất đang “tụt” dần có nghĩa là sự khủng hoảng đó đang ở “trườn dốc bên kia” rồi. Những điều tiêu cực và khó khăn của thị trường đã đi qua” – ông Trần Quang Trung nói.
Nhiều tín hiệu tích cực
Nhận định về chính sách kinh tế vĩ mô nói chung và thị trường bất động sản nói riêng, TS Nguyễn Đức Kiên – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Tổ trưởng Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ – cho rằng, lĩnh vực bất động sản vẫn “đối mặt với nhiều khó khăn”. Tuy nhiên TS Nguyễn Đức Kiên cho rằng, vẫn “thấy ánh sáng ở phía cuối”:
“GDP quý I/2023 của nước ta chỉ tăng 3,5%, thấp thứ hai trong vòng 10 năm trở lại đây. Trong đó tăng trưởng xây dựng tăng 1,9%, dự báo cả năm tăng 5%. Dịch vụ quý I tăng 6,7%, dự báo cả năm tăng 9,5 – 10%.
Về CPI, lạm phát, nhiều tổ chức có niềm tin giữ lạm phát ở mức chấp nhận được 4 – 4,5% năm 2023.
Chúng ta cần chú ý, sụt giảm về xuất nhập khẩu trong quý I là 2 con số, đây là sụt giảm tiềm ẩn khó khăn. Mặc dù quý I có Tết Nguyên đán nhưng nhìn vào khối lượng đơn đặt hàng của các doanh nghiệp thì tiềm ẩn khó khăn của các doanh nghiệp là rất lớn.
Tín dụng tăng trưởng thấp, nền kinh tế không hấp thụ được, ngân hàng tuy không hạn chế room tín dụng nhưng tiêu chuẩn để cho vay cao, nên hạ chuẩn. Tuy nhiên, đây là việc thảo luận, hiệp thương giữa các doanh nghiệp với nhau. Nhiều địa phương tăng trưởng âm, lĩnh vực bất động sản đối mặt với nhiều khó khăn”, TS Nguyễn Đức Kiên nói.
Tuy vậy ông cũng cho rằng, bức tranh quý I không hẳn sáng nhưng không phải không thấy ánh sáng ở phía cuối. Tổng đầu tư quý I là 3,6%, trong đó vốn tư nhân và FDI tương đương cùng kỳ. Vốn Ngân sách Nhà nước tăng. Về tài chính, tiền tệ, tỉ giá USD/VND đang có xu hướng giảm.
“Lời khuyên của một người làm kinh tế vĩ mô như tôi là “cùng tồn tại”, doanh nghiệp cần chia sẻ lợi nhuận với xã hội, với chính khách hàng. Với thanh khoản của khối trái phiếu còn lại, sẽ còn gặp khó khăn trong đàm phán với trái chủ.
Mặc dù đã có hành lang, nhưng mọi việc còn phụ thuộc vào đàm phán của chính doanh nghiệp và trái chủ” – TS Nguyễn Đức Kiên chia sẻ.
Trong tháng 3, Ngân hàng Nhà nước 3 lần điều chỉnh hạ lãi suất điều hành. Phát hành trái phiếu doanh nghiệp lên đến 28.500 tỉ đồng, trong đó 85% là doanh nghiệp bất động sản.
Như vậy, một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu thành công trong mấy tháng đầu năm, để thấy rằng Nghị định 08, Nghị quyết 01 Chính phủ mặc dù mới đi vào cuộc sống đã có tác động tương đối tích cực, củng cố, xây dựng được niềm tin với điều hành của Chính phủ.