Xu hướng thị trường vốn toàn cầu
Theo Bộ Tài chính, mỗi năm, Việt Nam cần huy động gần 1 triệu tỉ đồng thông qua phát hành trái phiếu. Cụ thể, trái phiếu Chính phủ 300.000 tỉ đồng, trái phiếu doanh nghiệp 400.000 tỉ đồng, còn lại là trái phiếu địa phương và trái phiếu khác…
Ông Nguyễn Quang Thuân – Tổng Giám đốc FiinRatings – đánh giá: “Trái phiếu bền vững nói chung và trái phiếu xanh là xu hướng lớn của thị trường vốn trên thế giới. Chính phủ đã có cam kết phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050. Việt Nam cần tận dụng cơ hội này để huy động vốn cho phát triển kinh tế và nhận sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế”.
Tuy nhiên, năm 2021, các ngân hàng trong nước mới chỉ phát hành 216 triệu USD trái phiếu xanh dù có rất nhiều dự án môi trường, xã hội và quản trị đang cần tìm vốn và nhà đầu tư cũng ráo riết tìm. Số lượng doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh trên thị trường cũng rất khiêm tốn. Tháng 7.2022, EVNFinance là doanh nghiệp đầu tiên tại thị trường Việt Nam phát hành trái phiếu xanh theo tiêu chuẩn quốc tế của ICMA.
“Thực tế cho thấy, động lực tăng trưởng của thị trường tài chính xanh tại Việt Nam giai đoạn 2015 đến nay chủ yếu đến từ định hướng chính sách của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính, chưa xuất phát từ thị trường.
Thiếu vắng nhà đầu tư có tổ chức tham gia trên tất cả các mảng thị trường tín dụng, cổ phiếu và trái phiếu xanh này, dẫn đến thị trường thiếu sự chuyên nghiệp và kém thu hút các nhà đầu tư quốc tế. Việc thiếu vắng cả bên mua lẫn bên bán sẽ làm cho các kênh đầu tư này có tính thanh khoản thấp, không hấp dẫn nếu so với các danh mục đầu tư khác” – TS Nguyễn Như Quỳnh – Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính, Bộ Tài chính – lý giải.
Cần minh bạch thông tin doanh nghiệp phát hành
Để thúc đẩy cung và cầu thị trường đối với tài chính xanh, ông Nguyễn Như Quỳnh cho rằng, trước mắt cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, đào tạo, phổ biến kiến thức về chủ trương, chính sách, trách nhiệm môi trường, xã hội của doanh nghiệp, giới thiệu các sản phẩm tài chính xanh tới công chúng đầu tư… Sự chủ động tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, công chúng đầu tư sẽ tạo một nền tảng bền vững cho phát triển các công cụ tài chính xanh.
Đồng thời cần xây dựng năng lực cho các thành viên thị trường. Trong đó quan trọng là các doanh nghiệp tư vấn trong nước có thể cung cấp dịch vụ đánh giá độc lập đối với các dự án xanh sử dụng nguồn thu từ cổ phiếu xanh hay trái phiếu xanh.
Đại diện Bộ Tài chính cho biết: “Để khuyến khích các nhà đầu tư lớn tham gia thị trường tài chính xanh, yếu tố then chốt là minh bạch thông tin liên quan tới hoạt động đầu tư xanh của các doanh nghiệp. Việt Nam cần từng bước đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, tiến tới cấu trúc cơ sở nhà đầu tư với sức cầu ổn định, chuyên nghiệp cùng chiến lược đầu tư dài hạn, có trách nhiệm xã hội”.
Việt Nam cũng có thể học tập kinh nghiệm của EU trong quá trình thẩm định dự án, xây dựng các tiêu chí về trái phiếu xanh dựa trên đánh giá hệ số khí hậu và hệ số môi trường. Ông Nguyễn Hoàng Nam từ Chứng khoán ACB đề xuất các cơ quan, ban, ngành thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo.
“Việc thiết lập khung khổ trái phiếu xanh có thể giúp Việt Nam đa dạng hóa sản phẩm đầu tư xanh, tạo cơ sở thu hút, tiếp cận nhiều nhà đầu tư, các tổ chức đầu tư và quỹ đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính vào Việt Nam” – ông Nam chia sẻ.
Bên cạnh đó hướng tới huy động trái phiếu xanh quốc tế, ông Nguyễn Quang Thuân cho biết, hiện nay có nhiều chương trình với tiêu chí và chuẩn mực riêng. Do vậy, doanh nghiệp cần tìm kiếm chương trình phù hợp và xác nhận trái phiếu xanh.