Chưa thể triển khai Nghị định 81
Theo quy định, từ năm học 2022-2023, các trường đại học (ĐH) thu học phí theo Nghị định 81/NĐ-CP ngày 27.8.2021 của Chính phủ. Theo đó, học phí ĐH công lập sẽ tăng với tất cả các loại hình trường khác nhau.
Cụ thể, trường công lập chưa tự chủ dao động từ 12-24,5 triệu đồng/năm học 10 tháng. Các trường công lập tự đảm bảo chi thường xuyên được thu 24-49 triệu đồng/năm, trường tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư thu 30 triệu đến hơn 61 triệu đồng/năm.
Tuy nhiên, ngay từ đầu năm học 2022 – 2023, Bộ trưởng GDĐT Nguyễn Kim Sơn đã lưu ý cả hệ thống giáo dục đại học công lập về việc không tăng học phí, giữ nguyên mức thu của năm 2021 theo chủ trương của Chính phủ do khó khăn sau hai năm dịch COVID-19.
Chủ trương là vậy, nhưng thực tế, rất lâu sau đó, không hề có văn bản chỉ đạo nên các trường đều phải thu học phí theo lộ trình tăng được quy định trong Nghị định 81.
Đến ngày 20.12.2022, Chính phủ mới ban hành Nghị quyết 165, yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học công lập giữ ổn định mức thu năm học này bằng với năm học 2021 – 2022.
Vì đã thực hiện thu học phí, chi đầu tư từ đầu năm học nên nhiều cơ sở giáo dục và đào tạo công lập rơi vào hoàn cảnh loay hoay bài toán trả lại tiền học phí đã thu trước đó của sinh viên.
Loay hoay giải bài toán tăng học phí
Theo quy định về học phí của Chính phủ, năm học 2022 – 2023, các trường đại học đều không được phép tăng học phí, mức học phí vẫn phải giữ nguyên như năm học 2021 – 2022. Do đó, nhiều trường đại học áp dụng mức thu học phí năm học 2022 – 2023 giống như năm học 2020 – 2021 và năm học 2021 – 2022.
Sau 2 năm không tăng học phí, đến thời điểm hiện tại, một số trường đại học đã bắt đầu rục rịch tăng học phí cho năm học tới.
Theo đề án tuyển sinh năm 2023 – 2024 vừa được Trường ĐH Giao thông Vận tải công bố, mức thu học phí dự kiến tăng 10% so với năm nay. Cụ thể, khối kỹ thuật: 415.800 đồng/tín chỉ; khối kinh tế: 353.300 đồng/tín chỉ.
Tính bình quân mỗi năm học, mỗi sinh viên học khoảng 30 tín chỉ, học phí chưa đến 14 triệu đồng/năm học/sinh viên.
Trường ĐH Thương Mại cũng đã công bố đề án tuyển sinh năm học 2023-2024. Theo đó, học phí chương trình đào tạo chuẩn từ 2,3 – 2,5 triệu đồng/tháng theo từng ngành (chuyên ngành) đào tạo.
Học phí các chương trình đào tạo chất lượng cao, chương trình tích hợp từ 3,525 – 4 triệu đồng/tháng theo từng ngành (chuyên ngành) đào tạo. Học phí các chương trình định hướng nghề nghiệp 2,5 triệu đồng/tháng.
Đề án tuyển sinh cũng nêu rõ, mức thu học phí từng năm tăng tối đa 12,5% so với năm trước liền kề (theo Nghị định 81/NĐ-CP ngày 27.8.2021 của Chính phủ).
Hay trong đề án tuyển sinh đại học năm 2023-2024, Học viện Tài chính dự kiến mức học phí 22 – 24 triệu đồng/năm với các ngành đào tạo chương trình chuẩn (tăng 10 – 20% so với hiện tại). Học phí với chương trình chất lượng cao tăng nhẹ lên 48 – 50 triệu.
Dù vậy, các trường đều nói rằng, mức học phí nêu trên chỉ là tạm ước tính. Nhà trường chưa thể đưa ra con số cụ thể, chính xác.
“Những năm học trước, học phí không tăng. Sang năm 2023-2024, nhà trường chia học phí thành các nhóm, ngành khác nhau, bám sát theo Nghị định 81. Song, vẫn cần chờ văn bản hướng dẫn cụ thể. Mức tăng học phí vẫn là bài toán nan giải đối với các trường” – đại diện Trường ĐH Thương mại chia sẻ.
Một số cơ sở giáo dục đại học khác thì vẫn chưa thể công bố đề án tuyển sinh với lí do chờ… hướng dẫn về việc tăng học phí.
Được ban hành ngày 27.8.2021, song thực tế, Nghị định 81 của Chính phủ quy định về học phí với các cơ sở giáo dục đào tạo công lập từ khi ban hành đến nay chưa có cơ hội áp dụng.
Năm học tới, trong bối cảnh dịch bệnh đã được kiểm soát, các trường bắt đầu tăng học phí. Điều khiến các trường băn khoăn là nếu áp dụng theo đúng quy định tại Nghị định 81, tức là khung học phí của năm học 2023-2024, học phí sẽ tăng vọt, người học sẽ phản ứng. Còn nếu thu theo lộ trình lùi lại thì cụ thể như thế nào?
“Bộ GDĐT đã nhiều lần họp với các trường ĐH về vấn đề tăng học phí, nhưng đến nay, vẫn chưa có phương án cụ thể” – lãnh đạo một trường ĐH nói.
Theo Nghị định 81 về cơ chế thu, quản lý và chính sách miễn, giảm học phí, từ năm học 2022-2023 đến năm học 2025-2026, mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục ĐH công lập chưa tự chủ cũng sẽ tăng (trừ khối ngành II, Nghệ thuật).
Đặc biệt, khối ngành VI.2 (Y Dược) tăng 71,3% (từ 1,43 triệu đồng/tháng lên 2,45 triệu đồng/tháng). Các khối ngành còn lại hầu hết đều tăng hơn 20% đến gần 30%, riêng khối ngành IV (Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên) tăng vừa phải hơn, ở mức 15,3%.
Đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập được tự chủ mức 1 (tự bảo đảm chi thường xuyên), mức học phí với khối ngành Y Dược cao nhất có thể lên đến 4,9 triệu đồng/tháng/sinh viên.
Còn với các trường đã được tự chủ mức 2 (đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư), học phí nhóm ngành Y Dược tối đa có thể lên đến trên 6 triệu đồng/tháng.