Nửa đêm bị làm phiền bởi cuộc gọi quảng cáo
Vài tháng trở lại đây, gần như ngày nào chị Nguyễn Thị Thu Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng nhận được một vài cuộc gọi quảng cáo của môi giới bất động sản và chào mời tham gia vào các sàn đầu tư tài chính, chứng khoán quốc tế… Hầu hết cuộc gọi chị nhận được đều trong giờ làm việc, thi thoảng có cuộc gọi lúc nửa đêm. Chị Thủy đã đăng kí số điện thoại của mình không nhận cuộc gọi quảng cáo nhưng vẫn tiếp tục là nạn nhân của những dịch vụ này.
Chị Thủy cho biết, rất mừng khi nghe tin các nhà mạng bắt đầu khóa thuê bao không chuẩn hóa thông tin cuối tháng trước. Tuy nhiên, ngay hôm sau, chị vẫn nhận các cuộc gọi tư vấn đủ thể loại dịch vụ. “Tôi nghĩ chuẩn hóa thuê bao sẽ giúp cơ quan quản lý được cuộc gọi rác, nhưng không, các cuộc gọi rác vẫn ngày đêm gọi đến số máy của tôi” – chị Thủy nói.
Chưa hết, sau khi những cuộc gọi trực tiếp bị khách hàng phản ứng gay gắt thì đã xuất hiện rầm rộ các cuộc gọi tự động từ tổng đài tự động (auto call). Chỉ cần nhấc máy là người dân được nghe một đoạn thoại lắp ghi âm sẵn, giới thiệu về sản phẩm, dịch vụ mà không cần biết họ có quan tâm hay muốn nghe đoạn quảng cáo hay không?
Trách nhiệm của nhà mạng?
Vài năm trở lại đây, tình trạng lừa đảo từ cuộc gọi rác, tin nhắn rác bùng phát tại Việt Nam. Trước thực trạng trên, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai các giải pháp bảo đảm thuê bao phát triển mới, thuê bao được chuẩn hóa có thông tin thuê bao đúng quy định.
Ông Nguyễn Phong Nhã – Phó Cục trưởng Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông – cho biết, quy định không cấm một người sở hữu nhiều sim. Để hạn chế việc sim bị sử dụng cho mục đích xấu, luật quy định các cá nhân khi muốn đăng kí từ sim thứ tư trở lên, hoặc doanh nghiệp khi cần sim số lượng lớn, phải thực hiện hợp đồng theo mẫu với nhà cung cấp.
Thông tin về vấn đề này, đại diện nhà mạng cho rằng, nguyên nhân hiện nay vẫn xuất hiện cuộc gọi rác, tin nhắn rác có thể là do bằng cách nào đó, các sim này đều có thông tin trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nên không bị khóa. Đây cũng là lí do mà người sử dụng các số thuê bao trên có thể thực hiện cuộc gọi, tin nhắn gây phiền hà tới người dân. Với các trường hợp này, người dân có thể báo cáo tới đầu số 156, nơi tiếp nhận phản ánh cuộc gọi, tin nhắn rác và cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo.
Trao đổi với Lao Động, chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu cho biết, trên thực tế vẫn còn hiện tượng một số sim dù thông tin không chính thống nhưng vẫn hoạt động bình thường là do các đối tượng lừa đảo có thể sử dụng công nghệ để làm giả giấy tờ. Bên cạnh đó, rất nhiều dịch vụ voice IP hoặc cho thuê số điện thoại ảo để gọi điện thoại, số ảo có cả ở Việt Nam và nước ngoài. Đây là phương thức mà các đối tượng lừa đảo vẫn dùng để gửi tin nhắn rác, cuộc gọi rác, lừa đảo và quảng cáo. Vấn đề này không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia khác cũng đang gặp phải.
Mặc dù thừa nhận sẽ khó có thể xóa được triệt để vấn nạn này, song các chuyên gia đều cho rằng, trong vấn đề này, nhà mạng phải nhận trách nhiệm chính và đóng một vai trò quan trọng.
Hiện nay, đã có nhiều quy định pháp lí về việc mua sim điện thoại phải có đầy đủ giấy tờ xác minh thông tin nên quy định này cần được thực hiện chặt chẽ ngay từ nhà mạng, nhất là trong việc phát triển thuê bao mới. Bên cạnh đó, nhà mạng cũng cần phải chủ động đầu tư, ứng dụng các giải pháp công nghệ mới trong việc ngăn chặn cuộc gọi rác, tin nhắn rác để giảm phiền hà cho người dùng.