Biến rác thành sản phẩm xuất ngoại
Nguyễn Văn Tuyến quê gốc Quảng Nam nhưng lớn lên ở Phú Yên, hiện sống ở TP.Hồ Chí Minh, hơn ba năm qua, anh chọn Quảng Ngãi để lập nghiệp với nghề làm các sản phẩm từ mo cau. Cái tên “Tuyến mo cau” cũng dần quen thuộc với nhiều người. Vào những ngày này, tại Khu công nghiệp Đồng Dinh, huyện Nghĩa Hành, anh Tuyến đang cùng hàng chục nhân công của mình tăng tốc đưa lên xe tải 300.000 sản phẩm từ mo cau để xuất đi Canada.
Theo anh Tuyến, Quảng Ngãi là một trong những tỉnh thành có diện tích trồng cau lớn nhất nước, người dân chủ yếu trồng cau bán quả sang Trung Quốc, Ấn Độ… Tuy nhiên, quả cau bấp bênh đầu ra và giá cả, còn mo cau thì rơi rụng khắp vườn, không ai quan tâm đến.
Vốn là người đam mê các sản phẩm thân thiện với môi trường, năm 2019, khi tìm hiểu trên mạng, Tuyến biết được ở Ấn Độ đã biến mo cau thành chén đĩa, sau đó anh tìm về Quảng Ngãi đầu tư tiền mua máy móc, mở xưởng thu mua mo cau để làm chén, dĩa…
Nhiều người dân Quảng Ngãi đã “bật ngửa” khi thấy có doanh nghiệp đi thu mua mo cau, loại phế phẩm mà vốn bao đời nay họ chỉ để rụng ngoài vườn, hoặc mang đi làm chất đốt.
Bà Nguyễn Thị Vân ở xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành chia sẻ: “Ban đầu thấy anh Tuyến đi thu mua mo cau với giá 1.000 đồng/1 mo cau, làm ai cũng ngạc nhiên, nhưng ai cũng mừng vì có thêm nguồn thu nhập từ cây cau. Mỗi tuần, tôi thu mua được 20.000-30.000 mo cau của người dân rồi chở đến xưởng bán cho anh Tuyến…
Khách Tây ưa chuộng
Việc “biến tấu” mo cau thành sản phẩm thân thiện với môi trường, có giá trị kinh tế cao, đồng thời giúp người trồng cau có thêm nguồn thu nhập. Tuy nhiên con đường lập nghiệp từ mo cau của anh Tuyến không phải bao giờ cũng “trải đầy hoa hồng”.
Anh Tuyến tâm sự, Quảng Ngãi có hai huyện Sơn Tây, Nghĩa Hành, trong đó huyện Sơn Tây được mệnh danh là “xứ sở ngàn cau”. Nhẩm tính mỗi một hecta cau cho khoảng 12.500 mo cau/ 1 năm, người dân bán 1.000 đồng/1 mo cũng thu về 12,5 triệu đồng.
Tuy nhiên, khó khăn nhất là người tiêu dùng trong nước vốn quen sử dụng các sản phẩm từ nhựa với giá thành rẻ lại tiện lợi, việc chuyển sang dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường như mo cau với giá bán 1.700 đồng/chén, 400 đồng/ muỗng… là điều khó với nhiều người tiêu dùng. “Ngoài tiêu thụ trong nước, tôi còn thúc đẩy xuất khẩu sang nước ngoài. Đến nay, tôi đã xuất đi các nước Hàn Quốc, Mỹ, Canada…”- anh Tuyến thổ lộ.
Mỗi ngày, xưởng anh Tuyến cho ra nhiều nhất khoảng 5.000 sản phẩm gồm các loại như đĩa mo cau hình chữ nhật, đĩa tròn, thìa, muỗng, chén lớn, nhỏ, đóng gói trong trong bao nylon ép nhiệt, có thể đựng thức ăn, trái cây, mắm, muối, gia vị… Người tiêu dùng hoàn toàn tin tưởng vào độ sạch của các loại sản phẩm này sau khi được xử lý bằng phương pháp làm sạch bởi một dây chuyền công nghệ khử trùng hiện đại.
Anh Nguyễn Quốc Triều, ở xã Nghĩa Dõng, TP.Quảng Ngãi cho hay: “Tôi thấy sản phẩm từ mo cau rất độc đáo, thú vị. Hiện nay, rác thải nhựa gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến môi trường. Hi vọng các sản phẩm thân thiện từ thiên nhiên như mo cau của anh Tuyến sẽ hướng người tiêu dùng đến mua sắm các sản phẩm an toàn cho sức khỏe và không ảnh hưởng đến môi trường sống.