Theo đó, Hội đồng sẽ tiến hành kiểm tra hiện trường công trình; kiểm tra kết quả nghiệm thu hoàn thành của chủ đầu tư và các điều kiện để đưa dự án vào khai thác, sử dụng. Thời gian tiến hành kiểm tra nghiệm thu từ ngày 26 – 28.4.
Trước đó, ngày 25.4, Khu quản lý đường bộ IV có công văn đề nghị Ban quản lí dự án Thăng Long lên phương án tổ chức quản lý, vận hành cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây.
Các nhà thầu và chủ đầu tư phải có biện pháp bảo trì công trình, trực an toàn giao thông, an ninh trật tự trong quá trình vừa thi công vừa khai thác, chờ nghiệm thu hoàn thành.
Ban quản lí dự án Thăng Long phải bố trí bốn xe bán tải vừa thực hiện nhiệm vụ tuần tra đường vừa chở cán bộ, công nhân bảo dưỡng thường xuyên.
Ở mỗi đầu của cao tốc phải bố trí hai xe cứu hộ để phục vụ công tác cứu hộ cứu nạn kịp thời khi xảy ra các sự cố. Đồng thời, hệ thống cọc tiêu an toàn giao thông, rào chắn, biển báo, cảnh báo vi phạm… phải bố trí đầy đủ. Trên các biển SOS ghi đầy đủ các số điện thoại đường dây nóng của chủ đầu tư hoặc đơn vị quản lí tuyến. Tại các vị trí nút giao phải bố trí trực gác để hướng dẫn, đảm bảo an toàn.
Ngoài ra, Ban quản lí dự án Thăng Long cần làm việc trực tiếp với các trung tâm cấp cứu, cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông trên địa bàn để tổ chức diễn tập ứng cứu, phối hợp xử lí khi xảy ra tai nạn giao thông trên cao tốc.
Làm việc với đơn vị quản lí, vận hành cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây để đảm bảo an toàn giao thông tại nút giao, trạm thu phí và sớm lựa chọn ngay đơn vị quản lý, bảo trì; Đề xuất đơn vị quản lí cầu đường là Công ty cổ phần Dịch vụ kĩ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E).
Dự án Đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây có chiều dài 99 km đi qua 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận, trong đó đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai dài hơn 51km. Dự án được khởi công xây dựng vào cuối tháng 9.2020.
Theo kế hoạch, ngày 29.4, dự án sẽ được khánh thành và đưa vào khai thác đối với phần tuyến chính và 3 nút giao chính.