Cuộc khủng hoảng ngân hàng nổ ra cách đây chưa đầy hai tháng tại Mỹ giờ đây dường như không phải là tác động lớn đối với nền kinh tế số một thế giới, mà là một một “dòng máu chảy chậm” tiềm ẩn cho một cuộc suy thoái được dự đoán trước vào cuối năm nay.
Khi các ngân hàng báo cáo tác động từ việc nhiều khách hàng ồ ạt rút tiền, bức tranh toàn cảnh càng trở nên đa dạng: Các tổ chức lớn như JPMorgan Chase và Bank of America ít bị ảnh hưởng, trong khi các tổ chức nhỏ hơn như First Republic phải đối mặt với nhiều khó khăn, thậm chí là đối mặt với sự sống còn.
Điều này có nghĩa, dòng tiền đến Wall Street hầu như vẫn hoạt động tốt trong khi tình hình ở Main Street liên tục dao động.
“Các ngân hàng nhỏ sẽ cho vay ít đi. Đó là dấu hiệu tiêu cực cho sự tăng trưởng” – Steven Blitz, nhà kinh tế trưởng về Mỹ tại TS Lombard đánh giá.
Mức độ tiêu cực sẽ được lộ rõ trong thời gian sắp tới khi dữ liệu được công bố.
First Republic, một công ty cho vay được coi là chỉ báo về mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng tiền gửi, đã công bố thu nhập vượt kỳ vọng nhưng vẫn hiện rõ tình hình tài chính khó khăn.
Với các ngân hàng lớn, thu nhập vẫn khả quan trong quý I/2023 nhưng tương lai vẫn bỏ ngỏ khi cổ phiếu đáng chịu áp lực.
Robert Sockin, chuyên gia kinh tế toàn cầu của Citigroup, nhận định: “Thay vì mang đến thông tin mới đáng lo ngại, thu nhập của tuần này cho thấy căng thẳng ngân hàng đã ổn định vào cuối tháng 3 và được kiềm chế ở mức giới hạn. Đó là kết quả vĩ mô tốt nhất có thể được kỳ vọng khi căng thẳng xuất hiện vào tháng trước”.
Trước mắt, dự đoán về kết quả tăng trưởng kinh tế quý I sắp được công bố phần lớn là tích cực bất chấp các vấn đề trong thời gian qua.
Khi Bộ Thương mại Mỹ công bố ước tính ban đầu về mức tăng tổng sản phẩm quốc nội trong ba tháng đầu năm, Dow Jones dự kiến tỉ lệ là dương 2%. Công cụ theo dõi dữ liệu của FED Atlanta dự báo mức tăng thậm chí còn tốt hơn là 2,5%.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng này dự kiến sẽ không kéo dài, chủ yếu do hai yếu tố có mối liên hệ với nhau: việc Cục Dự trữ Liên bang tăng lãi suất nhằm mục đích hạ nhiệt nền kinh tế và giảm lạm phát, và những hạn chế đối với hoạt động cho vay của các ngân hàng nhỏ. Chẳng hạn, First Republic đã báo cáo rằng ngân hàng này đã bị giảm hơn 40% tiền gửi – một phần của khoản rút 563 tỉ USD trong năm nay, khiến việc cho vay trở nên khó khăn hơn.
Tuy nhiên, Blitz và nhiều đồng nghiệp của ông vẫn cho rằng, bất kỳ cuộc suy thoái nào cũng chỉ ở mức “nông và ngắn”.
Trên thực tế, cuộc suy thoái gần đây nhất chỉ diễn ra cách đây hai năm trong những ngày đầu của COVID-19. Thời kỳ suy thoái diễn ra nhanh và ngắn trong lịch sử, kết thúc bằng một đợt kích thích tài khóa và tiền tệ chưa từng có tiền lệ, tiếp tục chảy qua nền kinh tế.
Chi tiêu của người tiêu dùng dường như vẫn duy trì khá tốt khi đối mặt với cuộc khủng hoảng ngân hàng. Citigroup ước tính khoản tiết kiệm vượt mức với khoảng 1 nghìn tỉ USD lưu động. Tuy nhiên, tỉ lệ nợ quá hạn và số dư đều đang tăng: Moody’s cho biết các khoản khấu trừ thẻ tín dụng là 2,6% trong quý I/2023, tăng 0,57% so với quý IV/2022, trong khi số dư tăng 20,1% trên cơ sở hàng năm.
Tỉ lệ tiết kiệm cá nhân cũng đã giảm từ 13,4% vào năm 2021 xuống còn 4,6% vào tháng 2.2022.
Song, báo cáo tổng thể nhất được công bố cho đến nay (có tính đến khoảng thời gian SVB và Signature Bank bị đóng cửa) chỉ ra rằng, thiệt hại đã được hạn chế. Báo cáo định kỳ của FED được công bố vào ngày 19.4 cho thấy hoạt động cho vay và nhu cầu cho vay “nhìn chung giảm” và các tiêu chuẩn được thắt chặt “trong bối lo ngại về tính thanh khoản”.
Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics, cho biết: “Hậu quả từ cuộc khủng hoảng dường như ít nghiêm trọng hơn dự đoán chỉ vài tuần trước. Báo cáo của Fed ít gay cấn hơn tôi tưởng rất nhiều. Tình hình ngân hàng là một cơn gió ngược, nhưng chỉ gây phiền toái”.
Mọi thứ sẽ đi về đâu phụ thuộc rất lớn vào người tiêu dùng Mỹ – những người chiếm hơn hai phần ba tổng hoạt động của nền kinh tế số một thế giới.