Tỷ lệ cây bị chết chiếm từ 5 – 10% diện tích, nơi cao từ 30 – 60%. Các địa phương có diện tích cây keo bị chết nhiều là huyện Ba Tơ, Nghĩa Hành, Sơn Hà và Trà Bồng. Cây keo bị chết chủ yếu ở giai đoạn từ 1 – 3 năm tuổi.
Theo kết quả giám định của Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung (Cục Bảo vệ thực vật) và khảo sát của các cơ quan chuyên môn, cây keo bị chết là do nhiễm nấm Ceratocystis sp và nấm Fusarium sp. Nhận định của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ngãi, trong thời gian tới, bệnh có khả năng tiếp tục phát triển và lây lan làm ảnh hưởng lớn đến các vùng nguyên liệu keo trong tỉnh. Chi cục khuyến cáo nông dân chặt cây bị bệnh mang đi tiêu hủy, không tận thu cây bệnh vận chuyển đi nơi khác, dùng vôi rải vào gốc cây bị bệnh để xử lý nguồn bệnh.
Cơ quan chức năng khuyến cáo người trồng keo khi trồng vụ mới, nông dân sử dụng cây giống khỏe, sạch bệnh, chỉ mua cây giống ở những cơ sở được cấp phép; trồng đúng mật độ khuyến cáo, chăm sóc vườn keo đúng theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp, cần luân canh cây trồng sang các loại cây trồng khác phù hợp.
Tỉnh Quảng Ngãi có khoảng 198.000ha rừng keo nguyên liệu, phục vụ cho ngành chế biến dăm gỗ xuất khẩu với khoảng hơn 2 triệu m3 mỗi năm. Đây là loại cây kinh tế chủ lực của người dân Quảng Ngãi, tuy nhiên hiện có 8.168ha cây keo bị chết do nhiễm nấm khiến người trồng keo thua lỗ nặng.