Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa có Tờ trình Nghị định quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Trong đó, Bộ Nội vụ nêu rõ những vấn đề xin ý kiến.
Cụ thể, liên quan đến tên gọi của dự thảo Nghị định, hiện có 2 loại ý kiến về vấn đề này.
Loại ý kiến thứ nhất: Đề nghị tên gọi của dự thảo Nghị định là Nghị định quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung để đảm bảo phù hợp và thống nhất nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17.11.2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “thể chế chủ trương của Đảng về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”.
Loại ý kiến thứ 2: Đề nghị tên gọi của dự thảo Nghị định là Nghị định quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, theo đúng tên gọi tại Nghị quyết 85/NQ-CP ngày 9.7.2022 của Chính phủ, Nghị quyết hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6.2022, Chương trình công tác năm 2023 của Chính phủ ban hành kèm theo Quyết định số 48/QĐ-TTg ngày 3.2.2023 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.
Hiện Bộ Nội vụ đang thể hiện tên gọi của dự thảo Nghị định theo loại ý kiến thứ nhất.
2 loại ý kiến về thẩm quyền quy định chính sách khuyến khích, biện pháp bảo vệ cán bộ
Về thẩm quyền quy định về chính sách khuyến khích, biện pháp bảo vệ cán bộ và trách nhiệm của các cơ quan Toà án, Viện Kiểm sát, Bộ Nội vụ cho biết, liên quan tới vấn đề này, hiện có 2 loại ý kiến khác nhau.
Loại ý kiến thứ nhất: Đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung do một số quy định của dự thảo Nghị định về khuyến khích và bảo vệ cán bộ (miễn, giảm trách nhiệm đối với cán bộ, cơ quan, tổ chức…); trách nhiệm của một số cơ quan như TAND, Viện KSND… vượt qua thẩm quyền của Chính phủ, cần phải được quy định, điều chỉnh bằng Nghị quyết của Quốc hội.
Đề xuất này phù hợp với đề nghị của Quốc hội yêu cầu Chính phủ “khẩn trương tham mưu thể chế hoá, thực hiện Kết luận số 14-KL/TW ngày 22.9.2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung” nêu tại Nghị quyết số 75/2022/QH15 ngày 15.11.2022 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khoá XV.
Trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ có trách nhiệm thực hiện và hướng dẫn thi hành Nghị quyết. Theo đó Chính phủ sẽ ban hành Nghị định hướng dẫn về vấn đề này.
Loại ý kiến thứ 2: Đề nghị chỉ ban hành Nghị quyết quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, phù hợp với nhiệm vụ Chính phủ đã giao tại Nghị quyết số 85/NQ-CP ngày 9.7.2022 của Chính phủ, Nghị quyết Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6.2022, Chương trình công tác năm 2023 của Chính phủ ban hành kèm theo Quyết định số 48/QĐ-TTg ngày 3.2.2023 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.
Bộ Nội vụ đề xuất Chính phủ báo cáo Ban Cán sự đảng Chính phủ xem xét, để trình cấp thẩm quyền cho ý kiến trước khi Chính phủ ban hành Nghị định.