Con người là vốn quý
Ở Thổ Châu từng lơ lửng nỗi ám ảnh “không sợ gì, chỉ sợ bệnh và học” – khi mà mạng sống như “treo trên đầu ngọn sóng” và việc học khó như “hái sao trên trời”.
Tôi quyết định tìm hiểu và cảm nhận tương lai của Thổ Châu trước tiên từ chuyện sức khỏe, lĩnh vực được xác định là “cốt tủy” cho sự phát triển bền vững. Và tôi đã chạm vào sự thật trong ngôi nhà yên tĩnh tại Bãi Ngự.
“Các thầy thuốc trên đảo đã cứu con tôi!” – đã hơn 8 tháng rồi, nhưng bà Nguyễn Thị Ánh (67 tuổi, ấp Bãi Ngự) vẫn không kìm được nước mắt khi kể lại thời khắc con gái sinh cháu ngoại thứ 2. Vào ngày 10.8.2022, Thiếu tá, BSCKI Đinh Văn Sức, Chủ nhiệm Quân y Trung đoàn 152 (Quân khu 9) là người trực tiếp phụ trách ca sinh nở giữa muôn trùng khó khăn. Sau 3 giờ phẫu thuật, ca mổ thành công, bé trai kháu khỉnh chào đời. Hơn lúc nào hết, câu nói “Tin tưởng tay nghề thầy thuốc” thật nhiều ý nghĩa ở Thổ Châu, với người Thổ Châu!
Nói chuyện nhân lực. Đúng 10 năm trước, Thổ Châu là “vùng trũng”. Toàn hệ thống chính trị của xã chỉ có 5/52 người có trình độ tốt nghiệp THPT. Nhưng “bây giờ Thổ Châu có nhiều người tốt nghiệp đại học và hơn thế nữa” – ông Đỗ Văn Dừng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thổ Châu, cho biết. Không chỉ lãnh đạo, nhiều cán bộ cũng có trình độ đại học, đặc biệt có người có đến 2 bằng đại học hệ chính quy của Đại học Cần Thơ.
“Đó là kết quả của hành trình quyết liệt từ chủ trương của Đảng, Nhà nước và nỗ lực phấn đấu từng cá nhân” – ông Nguyễn Đức Kỉnh, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Phú Quốc chia sẻ.
Theo ông Kỉnh, xác định tầm quan trọng của địa bàn tiền tiêu, Phú Quốc quyết tâm nâng cao trình độ cho cán bộ ở Thổ Châu, xem như khâu đột phá mang tính dẫn dắt. Sau khi phân tích tình hình thực tế, Phú Quốc chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp hỗ trợ Thổ Châu tổ chức lớp bổ túc cho cán bộ. Sau khóa đào tạo này, Thổ Châu có thêm 13 cán bộ tốt nghiệp THPT, tạo nền cho nhiều người học tiếp và tốt nghiệp đại học sau này. Nhưng quan trọng hơn, đây là tấm gương cho tuổi trẻ Thổ Châu noi theo.
Theo lời cô Hà Thị Oanh, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Thổ Châu, xã Thổ Châu lúc mới hình thành, không có giáo viên là người tại chỗ, còn học sinh phát triển theo hình chóp ngược. Đa phần các em học đến biết đọc, biết viết là nghỉ, ở nhà phụ giúp cha mẹ. Đến lớp 9, toàn trường chỉ còn 7-8 học sinh và phần lớn cũng dừng việc học sau khi kết thúc năm học, vì không phải gia đình nào cũng đủ sức và không phải học sinh nào cũng đủ động lực để rời gia đình vào đất liền học lên cao.
Phong trào hiếu học trên đảo đã được khơi dậy. Nhiều gia đình thu xếp cho con em vào đất liền học; ngày càng có nhiều người trẻ Thổ Châu đạt trình độ cao đẳng, đại học. Điển hình như gia đình ông Vũ Lệ Trung (ấp Bãi Ngự).
“Bây giờ, trong trường có nhiều giáo viên là học trò cũ” – cô Oanh nói. Trong đó, nhiều người đã thể hiện nguyện vọng gắn bó lâu dài với đảo, như cô Vũ Thị Bích Loan…
Thổ Châu cũng có cái khó riêng
“Khoảng 3 năm gần đây, nhiều hoạt động kinh tế ở Thổ Châu có dấu hiệu chững lại”, ông Lê Văn Ca (ấp Bãi Ngự) lo lắng khi nhiều hoạt động dịch vụ, kinh doanh không còn tấp nập như trước.
Ngoài ảnh hưởng chung của suy thoái kinh tế, dịch bệnh, chiến tranh, Thổ Châu cũng có cái khó riêng: Ở giữa biển, nhưng đa số người dân sống bằng nghề… trên bờ. Ngư trường ở Thổ Châu có trữ lượng hải sản phong phú, đa dạng và thường xuyên có tàu đánh bắt hiện đại, nhưng phần lớn từ nơi khác đến. Hết mùa, họ mang theo các khoản lợi về theo. Còn người dân ở Thổ Châu chỉ tập trung vào các dịch vụ bán buôn như nhu yếu phẩm, nước giải khát, chạy đò…
Thật ra, người Thổ Châu có tham gia khai thác hải sản, nhưng chủ yếu đánh bắt ven bờ. Vì vậy, dù tăng hơn năm trước 11%, nhưng cả năm 2022, tổng sản lượng khai thác hải sản toàn xã chỉ vào khoảng 150 tấn. Việc nuôi trồng thủy, hải sản càng đáng lo khi cả năm 2022 chỉ được 50 tấn. Một con số quá khiêm tốn với địa phương có vùng biển rộng lớn như Thổ Châu.
Kì vọng phát triển du lịch
Trên chuyến tàu Phú Quốc – Thổ Châu, có nhiều người từ Hà Nội, TPHCM ra Thổ Châu du lịch. Bởi Thổ Châu không chỉ đẹp mà còn độc lạ. Chính ẩn ý bên trong lớp vỏ ngôn từ của những danh thắng như Thổ Châu, Bãi Ngự, Bãi Dong, Hòn Nhạn… đã đủ sức hấp dẫn những bước chân thích khám phá.
Hòn Nhạn mang vẻ đẹp độc đáo của thiên nhiên. Cách đảo Thổ Châu khoảng 7 hải lý, tuy chỉ cao 23 m so mặt biển và rộng 0,23 km2, nhưng hòn Nhạn là một trong những nơi gây cảm xúc cho du khách. Là đảo khô với màu đá trắng đặc trưng, nhìn từ xa, hòn Nhạn như viên bạch ngọc bồng bềnh trên nền nước biển xanh ngắt. Nơi đây còn được biết đến như “thủ phủ” của hàng vạn con chim nhạn.
“Khi đưa khách ra đây tham quan, nhiều người đã khóc vì cảm xúc dâng trào” – anh Thế Dũng (Công ty du lịch Thế Hệ Trẻ) chia sẻ. Điều này như minh chứng: Thổ Châu đang sở hữu tài sản được ví như “mỏ vàng” lộ thiên.
“Đây là vấn đề cử tri cũng như hệ thống chính trị xã Thổ Châu, TP Phú Quốc nhìn ra từ nhiều năm nay” – ông Nguyễn Đức Kỉnh chia sẻ. Thời gian qua, địa phương cũng đã mời gọi nhiều doanh nghiệp ra Thổ Châu đầu tư du lịch. “Mới đây, đại diện lãnh đạo 2 hãng tàu cao tốc Rạch Giá – Phú Quốc cũng trực tiếp ra đây tìm hiểu và bày tỏ mong muốn được đầu tư để mở tour trọn gói…” – ông Đỗ Văn Dừng cho biết thêm.
Những ngày lưu lại Thổ Châu, tôi nhận ra nơi đây đang háo hức và kì vọng phát triển du lịch để phá thế “độc đạo”. Nhiều ý tưởng đã phác họa Thổ Châu như hòn ngọc du lịch nơi cuối biển Tây. Ở đó, du khách sẽ tắm mình trong thiên nhiên, cảnh quan tinh khiết của “thiên đường nơi hạ giới”.
Thế nhưng, đến nay, du lịch ở đây đang hoạt động “chui”. Chúng tôi thử đặt câu chuyện du lịch “chui” ở Thổ Châu lên bàn nhiều người có trách nhiệm và đều nhận được câu trả lời giống nhau, vấn đề cốt lõi ở đây không phải là không quan tâm đầu tư, mà là vướng quy hoạch.
Theo nhiều chuyên gia, rất cần phải tiến hành làm và làm cho bằng được vì những lợi ích quan trọng. Phát triển du lịch không chỉ là tạo cho kinh tế Thổ Châu đứng trên đôi chân vững vàng. Qua đó an tâm bám đảo, giữ biển…