Vn-Index tiếp tục một phiên giảm điểm với mẫu nến dạng Marubozu đi kèm giá đóng cửa thấp nhất ngày cho thấy đà giảm chiếm hoàn toàn ưu thế. Việc giảm điểm vẫn đi kèm thanh khoản ở mức thấp cho thấy, tín hiệu bán tháo không diễn ra. Xu hướng ngắn hạn hiện tại vẫn tiếp tục là sideway down và VN-Index đang hướng xuống vùng hỗ trợ dưới của khung đi ngang tích lũy nhiều tuần ở quanh khu vực 1.015-1.030 điểm.
Do việc thanh khoản không ghi nhận mức đột biến, nên chỉ số rất khó có thể biến động với biên độ lớn như tăng mạnh hay giảm mạnh. Đà giảm phiên hôm qua (25.4) tập trung nhiều ở các cổ phiếu trụ và nhóm chứng khoán. Ngược lại, các nhóm ngành như may mặc, cảng biển và mía đường vẫn duy trì tăng điểm.
Nhận định về câu chuyện đón sóng mùa báo cáo kinh doanh theo quý, không ít chuyên gia cho rằng, quý IV/2022, lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết giảm 31% so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận quý đầu năm 2023 của nhiều doanh nghiệp có thể chưa thoát khỏi xu hướng giảm. Đây sẽ là yếu tố khiến VN-Index ít có khả năng tăng điểm mạnh trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, kỳ vọng quý I/2023 là điểm đáy tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp và kết quả kinh doanh sẽ dần cải thiện kể từ quý II/2023. Hiện tại, kinh tế Việt Nam đang ở cuối chu kỳ suy thoái, thể hiện qua các tiêu chí như dự trữ ngoại hối giảm, hoạt động kinh tế giảm, thị trường bất động sản suy thoái, thất nghiệp tăng, tín dụng tăng chậm, lợi nhuận doanh nghiệp giảm…
Ngành ngân hàng được đánh giá có triển vọng khả quan, nhưng lợi nhuận một số ngân hàng đã bắt đầu phản ánh những khó khăn trên thị trường bất động sản. Các ngành như bán lẻ, phân bón, hóa chất, thép có nền so sánh quý I/2022 cao, nên ít có khả năng tăng trưởng trong quý I/2023. Dự báo, nhu cầu tiêu dùng yếu sẽ kéo dài sang quý II.
Trong bối cảnh khó khăn chung, doanh nghiệp nào duy trì được tăng trưởng dương sẽ là “ngôi sao sáng” cho dòng tiền đón “sóng” kết quả kinh doanh quý I/2023. Trên sàn chứng khoán, định giá thị trường chung trước mùa công bố kết quả kinh doanh quý I/2023 đang khá hấp dẫn, P/E của VN-Index thấp hơn nhiều so với mức bình quân các thị trường châu Á.
Tuy nhiên, với xu hướng ngắn hạn đang là sideway down như hiện tại, các chuyên gia cho rằng, nhà đầu tư nên hạn chế mua mới mà nên tập trung xử lý danh mục trước đó nếu có nhịp hồi phục trở lại.
Công ty Chứng khoán (CTCK) Vietcombank đưa ra phân tích, về góc nhìn kỹ thuật, VN-Index đóng phiên tạo nến và chưa có nhiều chuyển biến tích cực. Xét về khung đồ thị ngày, chỉ báo MA20 đã dần đi xuống, kèm theo đó là sự gia tăng của một số chỉ báo cho thấy rủi ro của thị trường trong ngắn hạn đã tăng lên.
Thêm vào đó, việc mở xuống dưới của dải Bollinger band cũng cho thấy sự tiêu cực tăng lên đáng kể. Nếu lực cầu không xuất hiện trở lại thì xác xuất VN-Index giảm về vùng đáy cũ 1.020 điểm là cần được tính đến.
Các chuyên gia của CTCK MB (MBS) cũng đưa ra nhận định, với tâm lý nghỉ ngơi trước kỳ nghỉ lễ dài ngày chi phối nên thị trường cũng bỏ qua các thông tin hỗ trợ trong những ngày vừa qua. Thanh khoản giảm đi kèm với việc mở rộng biên độ dao động xuống phía dưới để tìm lực cầu cho thấy nhu cầu muốn thoát ra đang chi phối. Điều này cũng dễ hiểu khi phía trước là kỳ nghỉ lễ dài ngày, nhà đầu tư thường giảm chi phí đi vay bằng cách giảm tỷ trọng cổ phiếu danh mục.
Về kỹ thuật, chỉ số VN-Index đã giảm 50 điểm kể từ đỉnh tháng 4, tức giảm 4,54%, áp lực giảm chủ yếu đến từ nhóm bluechips VN30 (-5,19%). Các ngưỡng hỗ trợ cho nhịp điều chỉnh hiện nay ở: 1.030 điểm; 1.023 điểm; 1.017 điểm.