Ngày 25.4, tiếp tục có hơn 100 hồ sơ và đơn tố cáo của người dân gửi đến Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an TP Hồ Chí Minh, tố nhân viên Ngân hàng SCB lừa dối, dụ dỗ khách hàng mua trái phiếu.
Hàng ngày thức dậy trong nỗi hoang mang vì trái phiếu
Trong số hàng chục người đến Công an TP Hồ Chí Minh để nộp đơn tố cáo nhân viên Ngân hàng SCB lừa dối, dụ dỗ khách hàng mua trái phiếu, có hơn một nửa là người già, cán bộ hưu trí.
Ông Nguyễn Minh Tâm (ngụ TP Hồ Chí Minh) – một trong số nhiều nạn nhân trong vụ “sập bẫy” trái phiếu nhân viên Ngân hàng SCB vẫn hàng ngày thức dậy trong nỗi hoang mang, lo lắng.
“Trước đây tôi làm việc cho một công ty xây dựng, cả cuộc đời chỉ biết đến làm lụng để tích góp nuôi gia đình. Sau này, con cái lớn, tôi mới dành dụm được chút ít để lo cho tuổi già, nhỡ sau này có ốm đau bệnh tật, mình cũng còn có tiền đó để chữa bệnh, không phải phiền đến con cái. Nên những gì có được thời điểm đó tôi đều đem đi gửi vào ngân hàng, đó gần như là toàn bộ gia tài của tôi”, ông Tâm chia sẻ.
Không chỉ riêng ông Tâm, ông Huỳnh Triệu Cơ (ngụ Quận 8, TP Hồ Chí Minh) nay đã ngoài 70 cũng nghẹn ngào chia sẻ về nguy cơ mất trắng 1,8 tỉ đồng đầu tư vào sản phẩm có tên “Trái phiếu linh hoạt” do nhân viên Ngân hàng SCB tư vấn.
“Sau khi vụ việc này vỡ lẽ, vợ chồng tôi gây lộn nhau hoài. Giờ mỗi ngày đi chợ đều thiếu lên thiếu xuống, tết vừa rồi tôi cũng không dám đi ra ngoài vì chẳng còn tâm trạng đâu. Tôi và vợ bây giờ đều đã quá tuổi lao động, muốn xin làm bảo vệ để có tiền lo bữa cơm cho gia đình nhưng tầm tuổi này không ai thuê nữa rồi”, ông Cơ chia sẻ.
Giấu gia đình vì sợ chồng con lo lắng
Chị T.B.A. (ngụ TP Hồ Chí Minh) mắt rơm rớm nước mắt khi đề cập đến số tiền hơn 1,5 tỉ đồng đang “mắc kẹt” trong Ngân hàng SCB không biết bao giờ mới có thể lấy lại được.
Xếp vội bộ hồ sơ và đơn tố cáo gửi cho Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh, chị A. vừa đeo vội chiếc khẩu trang và không quên nhắn chúng tôi nhớ giấu tên của chị vì “gia đình đến nay vẫn chưa biết chuyện, con cái vẫn phải đảm bảo cho nó an tâm đến trường”.
Được biết, 1,5 tỉ đồng là toàn bộ số tiền chị A dành dụm được trong nhiều năm làm việc, trong đó cũng có khoản tiền mà mẹ chị để lại. Đó là tiền đi học của con chị và cũng là tiền để chị chữa bệnh.
“Toàn bộ chi phí sinh hoạt và tiền tiết kiệm của tôi đã bị nhân viên ngân hàng chuyển qua trái phiếu mà tôi không hề được biết. Bây giờ tiền lãi không có, gốc rút không được nên tôi không có tiền để sinh hoạt lẫn chữa bệnh. Lâm vào cảnh đường cùng, tôi phải đi vay thế chấp ở ngân hàng khác, mỗi tháng trả lãi 20 triệu đồng. Và tiền đó đúng bằng số tiền tôi gửi ở Ngân hàng SCB”, chị A. cho biết.
Và không chỉ riêng chị A., rất nhiều người phụ nữ khác là con, là vợ, là mẹ vẫn đang phải giấu gia đình “tấn bi kịch” này vì sợ cha mẹ già biết sẽ thêm đau lòng mà đổ bệnh, chồng không yên tâm công tác, còn con cái không thể vui vẻ đến trường.
Trước đó, theo như Lao Động đã phản ánh, hàng ngàn người dân khi đến giao dịch tại Ngân hàng SCB, bất kể là chuyển tiền, rút tiền, hay tất toán sổ tiết kiệm đều được nhân viên ngân hàng tư vấn chung một kịch bản: Có một sản phẩm mới của SCB có tên Trái phiếu linh hoạt, tương tự như chứng chỉ tiền gửi nhưng lãi suất cao hơn (9%/năm), tiện lợi hơn, sau 31 ngày khách hàng có thể rút ra bất cứ lúc nào và vẫn được nhận lãi.
Tuy nhiên thực tế, khách hàng không biết đó thực chất là trái phiếu doanh nghiệp, chỉ sau khi mọi chuyện vỡ lẽ, nhận được bản “Hợp đồng mua bán trái phiếu” trên tay thì mới biết số tiền mình mang đi gửi tiết kiệm đã bị chuyển qua mua trái phiếu. Thậm chí, trong hợp đồng sau khi đến tay khách hàng còn có ghi rõ điều khoản được phép huỷ hợp đồng trong vòng 3 ngày kể từ ngày kí, nhưng nhân viên không hề thông tin đến khách hàng về điều khoản này.
Theo lời của một số người dân, nhân viên tư vấn của Ngân hàng SCB đã trấn an khách hàng rằng: “Nếu mình mua ở SCB thì mình chỉ cần biết SCB thôi, không cần biết đến Tân Việt, An Đông hay Quang Thuận gì cả. Anh/chị mua ở Ngân hàng SCB sẽ được SCB bảo lãnh nên cứ yên tâm”.