Sản phẩm xanh và hợp tác xã du lịch
Nằm ở ven bờ biển Tân Thành (phường Cẩm An, TP Hội An), từ một phiên chợ xanh ra đời trong giai đoạn khó khăn nhất của dịch COVID-19, chợ phiên làng chài Tân Thành đã tạo nên một địa điểm trải nghiệm, giao lưu văn hóa của người dân bản địa và du khách.
Điều đặc biệt tạo nên dấu ấn của chợ phiên Tân Thành là hàng hóa trao đổi buôn bán đều được làm bằng tay, ngoài ra còn có đặc sản địa phương và các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Không biết từ bao giờ chợ phiên này lại trở thành điểm trao đổi mua bán của người dân và kể cả khách nước ngoài.
Theo chị Piangruethai, du khách Thái Lan, với những người nước ngoài sống tại Hội An, chợ phiên làng chài Tân Thành chính là nơi giao lưu văn hóa, nơi gặp gỡ của những người nước ngoài. “Tôi quen rất nhiều quầy hàng ở đây. Bạn bè tôi thỉnh thoảng cũng tham gia mở quầy hàng, chủ yếu là bán trao đổi những đồ dùng cũ với giá rất rẻ để chúng được tái sử dụng một cách hữu ích. Mỗi lần đến chợ chúng tôi có cảm giác như tìm về một nơi thân quen, thoải mái” – chị Piangruethai chia sẻ.
Đặc biệt ở đây còn là điểm đến của các bạn trẻ yêu môi trường như hai bạn Minh Huy, Quang Huy đến từ TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, có niềm đam mê với hoa sen đá, cuối tuần nghỉ học, các bạn đã đăng ký gian hàng tại chợ phiên, vừa làm vừa bán, vừa hướng dẫn du khách cách trồng và chăm sóc sen đá một cách tỉ mỉ.
Hiện, chợ phiên làng chài Tân Thành có khoảng 70 đến 100 gian hàng của người dân sống tại Quảng Nam, Đà Nẵng và các địa phương lân cận.
Từ việc ra mắt sản phẩm du lịch cộng đồng, xây dựng sản phẩm điểm đến chung, hoạt động trải nghiệm, sử dụng chéo các dịch vụ, tháng 10.2021, Hợp tác xã du lịch Làng chài Tân Thành đã chính thức được cấp phép.
Có thể nói đây là một trong những thành công của ngành du lịch Quảng Nam trong việc quảng bá các điểm đến, đặc sản của địa phương.
Theo ông Lê Quốc Việt, thành viên Ban tổ chức chợ phiên làng chài Tân Thành, thành công lớn nhất của phiên chợ chính là giá trị du lịch và giá trị xã hội đã được đánh thức, thể hiện qua sự chia sẻ cộng đồng cùng hướng đến mục tiêu xây dựng một sản phẩm du lịch mới lạ, góp phần phục hồi du lịch Hội An.
“Chúng tôi mong rằng, không chỉ Hội An mà các điểm đến của tỉnh Quảng Nam sẽ được đông đảo du khách biết đến. Hi vọng rằng Hợp tác xã du lịch Làng chài Tân Thành cũng sẽ trở thành một điểm đến kết nối du khách với người dân bản địa và các giá trị văn hóa của vùng đất Quảng Nam, kể cả những địa điểm không thuận lợi về hạ tầng cơ sở” – ông Lê Quốc Việt cho biết.
Ông Phan Xuân Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam – đánh giá sự trở lại của chợ phiên làng chài Tân Thành là một trong những hoạt động nổi bật mở đầu các sự kiện, hoạt động du lịch Hội An sau một thời gian dài trầm lắng do dịch bệnh.
“Quan điểm của UBND TP Hội An là mong muốn Cộng đồng du lịch làng chài Tân Thành sẽ gắn kết, tổ chức thường xuyên phiên chợ định kỳ để tạo thành một điểm đến cho người dân và du khách. Đặc biệt kết nối được văn hóa của người dân bản địa, đặc sản địa phương, doanh nghiệp du lịch với các du khách nước ngoài” – ông Phan Xuân Thanh thông tin.