Như Lao Động thông tin, kết thúc năm 2022, tính riêng 4 doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Công ty Cổ phần Đầu tư TNG Holdings Việt Nam (TNG Holdings Việt Nam) đang gánh khối nợ khoảng 34.500 tỉ đồng (xấp xỉ 1,47 tỉ USD), trong đó bao gồm hơn 18.700 tỉ đồng nợ trái phiếu.
Thống kê từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, chỉ tính từ giai đoạn 2018 – 2021, hệ sinh thái TNG Holdings Việt Nam đã phát hành thành công hơn 600 lô trái phiếu với dư nợ đến cuối năm 2022 là 18.700 tỉ đồng.
Theo giới thiệu, TNG Holdings Việt Nam là một trong những tập đoàn đa ngành hàng đầu Việt Nam hiện nay. Tham gia thị trường Việt Nam từ năm 1996 trong lĩnh vực quản lý, phát triển khu công nghiệp, sau 27 năm hình thành và phát triển, TNG Holdings Việt Nam đã mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác nhau với quy mô hoạt động trải dài trên cả nước.
Đến nay, TNG Holdings Việt Nam là tập đoàn kinh tế với 11 đơn vị thành viên, hoạt động trong 7 lĩnh vực kinh doanh: Phát triển, kinh doanh và quản lý bất động sản, cho thuê bất động sản; thương mại và dịch vụ; khách sạn – resort; năng lượng; nông nghiệp và tài chính – ngân hàng.
4 thành viên nằm trong hệ sinh thái TNG Holdings Việt Nam gồm: Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Bất động sản TNR Holdings Việt Nam; Công ty Cổ phần Đầu tư và Cho thuê tài sản TNL; Công ty Cổ phần Đầu tư và Quản lý Khách sạn TNH và Công ty Cổ phần Năng lượng TNPower thường xuyên sử dụng trái phiếu làm kênh huy động vốn của mình, với dư địa trái phiếu tính đến cuối năm 2022 lên đến hơn 18.700 tỉ đồng.
Tuy nhiên, công ty mẹ là TNG Holdings Việt Nam lại có các chỉ tiêu tài chính khá khiêm tốn so với quy mô của các công ty thành viên.
Theo báo cáo riêng lẻ, tại thời điểm cuối năm 2022, tổng tài sản TNG Holdings Việt Nam khoảng 2.135 tỉ đồng, tăng vỏn vẹn 1% sau 12 tháng. Đáng chú ý khi 68% tài sản của TNG Holdings Vietnam chủ yếu được dùng đầu tư tài chính dài hạn với 1.443 tỉ đồng (1.408 tỉ đồng đầu tư vào công ty con và 35 tỉ đồng đầu tư vào đơn vị khác).
Tài sản ngắn hạn TNG Holdings Việt Nam có khoảng 945 tỉ đồng. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền chỉ hơn 1 tỉ đồng, TNG Holdings Việt Nam không ghi nhận hàng tồn kho, các khoản phải thu ngắn hạn xấp xỉ 499 tỉ đồng.
Ở bên kia bảng kế toán, tổng nợ phải trả của TNG Holdings Việt Nam có hơn 507 tỉ đồng, toàn bộ đều là nợ ngắn hạn.
Tuy nợ phải trả không nhiều so với quy mô tài sản, nhưng TNG Holdings Việt Nam cũng xuất hiện điểm gợn trong bức tranh kinh tế khi tài khoản chỉ hơn 1 tỉ đồng, nợ ngắn hạn (507 tỉ đồng) vượt tài sản ngắn hạn (499 tỉ đồng), đồng nghĩa với hệ số khả năng thanh toán hiện thời (tài sản ngắn hạn/nợ ngắn hạn tại TNG Holdings Việt Nam là 0,98).
Theo lý thuyết, hệ số khả năng thanh toán hiện thời nhỏ hơn 1 thể hiện khả năng trả nợ của doanh nghiệp yếu, là dấu hiệu báo trước những khó khăn tiềm ẩn về tài chính mà doanh nghiệp có thể gặp phải trong việc trả các khoản nợ ngắn hạn. Khi hệ số càng gần về 0, doanh nghiệp càng mất khả năng chi trả, gia tăng nguy cơ phá sản.
Số liệu gây chú ý là dù đầu tư hơn 1.400 tỉ đồng vào công ty con và công ty liên danh liên kết, thế nhưng trong năm 2022, TNG Holdings Việt Nam chỉ đưa về hơn 17 tỉ đồng cho hoạt động doanh thu tài chính.