Tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành về công tác tín dụng và triển khai Thông tư 02/2023TT-NHNN diễn ra vào hôm nay (25.4), Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết sau khi nhận thấy hiệu quả của Thông tư 01 và 03 trong thời kỳ dịch COVID-19 và thực tế khó khăn của doanh nghiệp hiện nay, NHNN đã tiếp tục ban hành Thông tư 02/2023.
Cụ thể, theo bà Hà Thu Giang – Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Thông tư 02 quy định đối tượng được xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là những khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất – kinh doanh và trả nợ các khoản vay phục vụ đời sống, tiêu dùng. Đồng thời, Thông tư cũng giao quyền tự chủ cho các tổ chức tín dụng (TCTD) trong việc xem xét đánh giá, mức độ khó khăn của khách hàng thông qua một số nội dung như doanh thu, thu nhập sụt giảm.
“Mục đích ban hành Thông tư này nhằm tạo điều kiện kéo dài thời gian vay và trả nợ ngân hàng, giảm áp lực trả nợ cho khách hàng. Đồng thời tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận các nguồn vốn để phục vụ sản xuất – kinh doanh, tiêu dùng, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế” – bà Giang cho biết.
Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Tuy nhiên, các TCTD vẫn phải đánh giá, phân loại cũng như trích lập dự phòng theo nhóm nợ thực tế của khách hàng. Ngoài ra, Thông tư cũng đã quy định rõ trách nhiệm của các TCTD trong việc xây dựng và ban hành quy định nội bộ để hướng dẫn thống nhất triển khai trong toàn hệ thống, cũng như tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình triển khai thực hiện chính sách.
Qua đây, Phó Thống đốc đặt vấn đề: “Làm sao để Thông tư 02 đi vào đời sống ngay từ ngày đầu, không còn thấy lời oan thán từ doanh nghiệp rằng không tiếp cận được. Để làm được điều đó, các ngân hàng không được tăng thủ tục cho doanh nghiệp khi tiến hành thủ tục giãn hoãn nợ. Tránh lợi dụng, vi phạm chính sách, đặc biệt tránh che giấu nợ xấu…”
Các ngân hàng thương mại, chi nhánh của NHNN có mặt tại Hội nghị cũng bày tỏ đồng tình cao về tính cấp thiết của Thông tư này. Lãnh đạo Ngân hàng Vietinbank đánh giá: “Thông tư 02 có độ mạnh rất lớn để giải bài toán hiện nay. Đôi bên đều có lợi, đặc biệt là nền kinh tế, doanh nghiệp trong khi áp lực lại đổ dồn về nhà băng. Do đó mỗi ngân hàng thương mại phải có điểm cân bằng”.
Về vấn đề tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay còn thấp, các doanh nghiệp cùng đưa chung một nguyên nhân là do khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Doanh nghiệp đưa tiền cũng không nhận do họ không có cơ hội làm ăn, đặc biệt thuộc lĩnh vực xuất khẩu.
Đại diện Ngân hàng Agribank – đơn vị có tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay âm – nhấn mạnh: “Chúng tôi vẫn ghi nhận tăng trưởng tại Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, còn các khu vực khác lại giảm so với đầu năm, đặc biệt là Đồng bằng sông Hồng. Nguyên nhân chính không phải cơ chế chính sách hay lãi suất cho vay mà do khả năng hấp thụ nền kinh tế”.