Đã tìm ra những nguyên nhân bên trong
Sáng 25.4, Thành ủy TP Hồ Chí Minh tổ chức Họp mặt kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 – 30.4.2023).
Trong bài phát biểu tại buổi họp mặt, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên đã dành phần lớn thời gian chia sẻ về tình hình kinh tế – xã hội của thành phố.
Về việc kinh tế TP Hồ Chí Minh trong quý I/2023 chỉ tăng trưởng 0,7% so với cùng kỳ, ông Nguyễn Văn Nên cho biết, ngoài nguyên nhân bên ngoài, thành phố đã tìm ra những nguyên nhân bên trong.
Cụ thể, đầu tư xây dựng hạ tầng và tiến độ triển khai giải ngân các dự án đầu tư công chậm. Kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội của thành phố còn nhiều hạn chế, yếu kém, quá tải và chưa được khắc phục trong khi việc triển khai các kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế chậm.
Đồng thời, hệ thống thể chế vừa thiếu vừa không đồng bộ; cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số chưa đạt yêu cầu.
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cũng nhìn nhận do việc xử lý những vụ việc tồn đọng chưa dứt điểm thì một số vụ việc lớn khác lại xảy ra, tăng thêm khó khăn, phức tạp, làm ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường ngân hàng, bất động sản, trái phiếu chứng khoán, tín dụng…
Về nguồn nhân lực, ông Nguyễn Văn Nên cho hay, tinh thần trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao, tâm lý cầm chừng, né tránh, sợ sai phạm đã và đang làm ảnh hưởng đến một số hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của TP Hồ Chí Minh.
Quyết tạo chuyển biến trong quý II
Người đứng đầu Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đã đề ra 6 giải pháp cụ thể và đang triển khai với tinh thần quyết tâm tạo chuyển biến trong quý II/2023.
Đầu tiên, chủ động chuẩn bị mọi kế hoạch, phương án phòng, chống dịch COVID-19. Theo ông Nguyễn Văn Nên, hiện COVID-19 ngày càng xuất hiện nhiều biến thể mới, thành phố đã chỉ đạo triển khai kế hoạch bảo vệ người có nguy cơ cao. “Vấn đề này chúng ta đã có bài học xương máu nên phải hết sức cảnh giác, tăng cường các hoạt động có hiệu quả để phòng chống, không để dịch tái bùng phát trở lại” – ông Nên nói.
Thứ hai, phối hợp với các cơ quan của Chính phủ để chuẩn bị trình Quốc hội thông qua Nghị quyết thay thế cho Nghị quyết số 54 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh tại kỳ họp tháng 5 tới đây.
Song song đó, UBND TP Hồ Chí Minh cũng chuẩn bị các đề án, kế hoạch, chính sách để trình HĐND TP Hồ Chí Minh ban hành, triển khai ngay sau khi được Quốc hội thông qua.
Thứ ba, thành phố tập trung tháo gỡ những vướng mắc về thể chế, về thủ tục, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giải ngân đầu tư công, đẩy mạnh chi tiêu công và kích cầu tiêu dùng nội địa; cùng với doanh nghiệp bàn giải pháp phục hồi sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường xuất khẩu, du lịch.
Thứ tư, tập trung đẩy nhanh tiến độ công tác lập, trình, thẩm định và phê duyệt quy hoạch TP Hồ Chí Minh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thứ năm, tập trung cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số trên các lĩnh vực; tăng cường đối thoại, lắng nghe, cùng tháo gỡ khó khăn với doanh nghiệp, góp phần củng cố niềm tin để nhà đầu tư vững vàng vượt qua sóng gió.
Cuối cùng, thành phố quyết tâm triển khai Kết luận số 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Từ đó, tạo niềm tin cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức yên tâm, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá.
“Phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương, hành động quyết liệt hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, quyết tâm khắc phục tình trạng tổ chức, cá nhân trì trệ, đùn đẩy, né tránh, không dám hành động làm ảnh hưởng đến hiệu quả thực thi công vụ” – ông Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.