21h ngày 17.4, cháu bé 21 tháng tuổi ở Bắc Ninh được gia đình đưa vào khoa Cấp cứu (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) trong tình trạng bàn tay phải bị đứt rời do tai nạn xảy ra với máy dập nắp cốc tại quán của gia đình.
Các bác sĩ đã nhanh chóng tập trung và phân công các nhóm thực hiện sao cho thời gian thực hiện phẫu thuật ngắn nhất, đảm bảo thời gian phục hồi lại lưu thông mạch máu cho bệnh nhi.
TS.BS Đỗ Văn Minh – Phó trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho biết: “Bàn tay có cấu trúc giải phẫu có tính chất phức tạp chức năng tinh tế nên việc phục hồi cả giải phẫu và chức năng của người bệnh một cách hợp lý phụ thuộc rất nhiều yếu tố khác nhau, trong đó quan trọng nhất là nhận thức của người thầy thuốc và nhận thức của người bệnh/người nhà người bệnh sẽ quyết định hướng điều trị đúng đắn nhất”.
Ca phẫu thuật kéo dài gần 8 giờ khâu nối phục hồi lại toàn bộ giải phẫu cho bàn tay bị đứt lìa bao gồm đặt lại xương, đặt lại khớp, cố định xương khớp vững chắc, nối gân cơ (gồm gân duỗi và gân gấp), khâu nối các mạch máu và dây thần kinh.
BS Nguyễn Hợp Nhân – Đơn vị Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho biết: Để đảm bảo cấp máu tốt nhất cho bệnh nhi và các chức năng về sau này, chúng tôi đã quyết định nối 2 động mạch và 4 tĩnh mạch, gần như phục hồi toàn bộ mạch máu. Thần kinh cũng phục hồi nguyên trạng cả về thần kinh quay, trụ giữa.
Trường hợp này có thể được xem là trường hợp đứt rời hoàn toàn bàn tay nhỏ tuổi nhất, ít được báo cáo trong y văn.
Sau một ca mổ rất dài, hầu như bệnh nhi không có rối loạn cả về lâm sàng lẫn xét nghiệm. Theo dõi bàn tay được nối lại tốt (đầu chi hồng ấm), các bác sĩ gây mê tiến hành gây tê thần kinh để giảm đau, và ngừng thuốc an thần cho bệnh nhi tỉnh dậy. Sau 6 giờ theo dõi ổn định bệnh nhi được chuyển về Đơn vị phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Công nghệ cao để theo dõi tiếp.
Sau mổ bên cạnh những dấu hiệu cần theo dõi hậu phẫu thông thường như dấu hiệu sinh tồn, tình trạng chảy máu, thiếu máu, nhiễm trùng thì việc theo dõi hồi lưu mạch máu ở bàn tay được nối ghép đóng vai trò quan trọng để phát hiện sớm tình trạng tắc mạch. Nếu bệnh nhân ổn định, có thể xuất viện sau 7 -10 ngày điều trị.
Nếu diễn biến tốt, bệnh nhi sẽ được tập phục hồi chức năng sớm sau 1-2 tuần sau nối ghép.
TS.BS Phạm Thị Việt Dung – Trưởng Đơn vị Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Công nghệ Cao là 1 trong những bác sĩ phẫu thuật chính cho bệnh nhi cho biết: Kỹ thuật nối ghép các bộ phận đứt rời trên bệnh nhân nhỏ tuổi khó hơn rất nhiều so với người lớn:
– Thứ nhất, ca mổ kéo dài, kèm theo mất máu, mất dịch là một thách thức với ekip gây mê hồi sức, đòi hỏi phải xử lý chính xác, kịp thời và rất cẩn trọng ở trong toàn bộ quá trình phẫu thuật.
– Thứ hai, các mạch máu, thần kinh ở vùng này bình thường vốn đã nhỏ bé, cần phải nối dưới kính hiển vi phẫu thuật thì trong trường hợp này, các mạch máu, thần kinh còn nhỏ hơn rất nhiều.
– Thứ ba, các cấu trúc giải phẫu ở trẻ chưa ổn định, đang trong thời kỳ phát triển rất dễ bị ảnh hưởng sau này như gân, xương, sụn khớp…, nên tất cả các thao tác đều rất cần sự tỉ mỉ và phải lựa chọn phương án sao cho hạn chế nhất sự ảnh hưởng này.
– Thứ tư, quá trình hậu phẫu cần sự bất động trong thời gian đầu và sau đó là tập phục hồi chức năng rất cần sự phối hợp của bệnh nhân thì lại không dễ dàng thực hiện ở trẻ nhỏ.