Cụm công nghiệp (CCN) số 3 cảng Đa Phúc (phường Thuận Thành, TP. Phổ Yên) hiện có khoảng 20 doanh nghiệp, cơ sở thuê đất để sản xuất và làm kho bãi. Trong đó, một số đơn vị có hoạt động phát thải ra môi trường.
Mặc dù đã hoạt động nhiều năm nay nhưng CCN số 3 cảng Đa Phúc đến nay vẫn chưa hoàn thiện và đi vào vận hành hệ thống xử lý, thu gom nước thải.
Theo ghi nhận của PV, hệ thống thu gom, xử lý nước thải của CCN này hiện mới đang trong giai đoạn xây dựng. Nước thải của các cơ sở đa phần được xử lý nội bộ không theo một quy chuẩn nhất định sau đó xả ra môi trường.
Ông Ngô Quang Dâng – Phó giám đốc Công ty kinh doanh than Bắc Thái (hoạt động trong CCN số 3 cảng Đa Phúc) cho biết, tuy đơn vị không trực tiếp có nước thải trong quá trình sản xuất nhưng nước sinh hoạt, nước từ bãi than được tự thu gom.
“Trong thời gian chờ xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung của CCN thì đơn vị tự thu gom nước thải mặt, nước thải sinh hoạt về bể chứa để lắng đọng sau đó cho chảy ra sông theo đường cống chung” – ông Dâng cho hay.
Chính quyền địa phương biết việc này nhưng việc kiểm tra xử lý phải theo phân cấp, phân quyền. Chỉ khi người dân địa phương sống gần CCN có ý kiến về các vấn đề môi trường thì ngành chức năng mới tiến hành kiểm tra và báo cáo lên cấp cao hơn.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Trọng Đàm – Chủ tịch UBND phường Thuận Thành cho biết, hoạt động của CCN số 3 Đa Phúc là do lịch sử để lại, bản thân địa phương cũng không được thu thuế trong khi người dân phản ánh thì chính quyền vẫn phải đi kiểm tra.
“Hệ thống xử lý nước thải tại đây vẫn chưa có, nhiều năm nay rồi. Chúng tôi vẫn nói với chủ đầu tư phải hoàn thiện nếu không cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xử lý. Đa số nước thải mặt bây giờ đều qua cống rồi xuống thẳng sông” – ông Đàm cho hay.
Theo quy hoạch đến năm 2030, tỉnh Thái Nguyên sẽ có 41 CCN với diện tích 2.067 ha. Hiện nay, địa phương này đang có 18 CCN đã nằm trong quy hoạch trong đó, 11 CCN có từ thời kỳ trước nhưng chưa được thành lập.
Tuy vậy, hiện nay mới chỉ có khoảng 3 cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung, gồm: Phú Lạc 2 (huyện Đại Từ), Cây Bòng (huyện Võ Nhai) và Kha Sơn (huyện Phú Bình). Các cụm công nghiệp còn lại đều trong giai đoạn chờ xây dựng hoặc chưa hoàn thiện.
Nguyên nhân của tình trạng trên bên cạnh sự chấp hành của các chủ đầu tư cụm công nghiệp chưa cao còn do lịch sử để lại. Một số CCN được thành lập sau khi có các nhà máy, xí nghiệp hoạt động sản xuất nên hạ tầng còn thiếu đồng bộ.
Thông tin tới PV, ông Trần Anh Sơn – Trưởng phòng Quản lý công nghiệp và năng lượng (Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên) cho biết, đối với các CCN mới xây dựng và đi vào hoạt động thời gian gần đây thì bắt buộc phải đầu tư xây dựng hệ thống thu gom xử lý nước thải.
Đối với những nơi chưa có hoặc đang hoàn thiện đa phần thuộc về các cụm công nghiệp đã hình thành từ rất lâu, do lịch sử để lại. Những CCN này hiện nay đều bắt buộc phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung.
“Khi thực hiện các bước lập dự án đầu tư cụm công nghiệp thì phải bắt buộc có báo cáo đánh giá tác động môi trường, xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Những đơn vị nào vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường” – ông Sơn cho hay.