Trong báo cáo mới nhất vào tháng 7.2022 của Gojek, tổng lượng đơn hàng trên nền tảng đặt đồ ăn trực tuyến GoFood của ứng dụng này đã tăng 72% trong 6 tháng đầu năm.
Các nền tảng giao đồ ăn trực tuyến tập hợp đa dạng nhà hàng, món ăn giúp giải quyết nhu cầu ăn uống hàng ngày của người dùng.
Trong đó, lượng người dùng mới tăng 35% với tốc độ tăng trưởng ở Hà Nội cao gấp gần 5 lần TP.HCM. Trong giai đoạn này, Gojek còn ghi nhận tần suất đặt món trực tuyến trên GoFood tăng 11% so với cùng kì năm ngoái.
Có thể thấy xu hướng đặt đồ ăn nhanh đang ngày gia tăng. Đặc biệt trong cuộc sống bận rộn ngày nay, nhiều cặp vợ chồng trẻ lựa chọn đặt đồ ăn về nhà hàng ngày, dành thời gian nấu nướng ấy để xả stress và ngày cuối tuần mới vào bếp cùng nhau cho tình cảm.
Nhiều độc giả của báo Lao Động đã có những suy nghĩ cũng như quan điểm cá nhân về xu hướng trên.
Chị Nguyễn Huỳnh Thy (23 tuổi, Hà Nội): Xu hướng không thật sự tốt, cũng chẳng thật sự xấu
Giới trẻ hiện nay bận bịu công việc về đến nhà rất mệt mỏi rồi lại phải lao vào bếp nấu nữa thì rất phiền đâm ra là có tâm lí đặt đồ ăn về cho nhanh, tôi thấy như thế cũng tiện.
Theo cá nhân tôi thì xu hướng trên không thật sự tốt, cũng chẳng thật sự xấu, tuỳ vào cảm quan và hoàn cảnh từng cặp vợ chồng thôi.
Nếu các cặp vợ chồng ở chung với bố mẹ, gia đình chồng thì xu hướng trên khó có thể xảy ra, còn nếu ăn riêng, ở riêng thì còn có thể. Vợ chồng tôi thì không theo xu hướng đó bởi chúng tôi chung sống với bố mẹ chồng.
Tóm lại, tuỳ vào hoàn cảnh mà mỗi cặp vợ chồng sẽ có cho mình những sự lựa chọn phù hợp.
Chị Nguyễn Thu Trang (25 tuổi, Nghệ An): Xu hướng khá hiện đại, phù hợp với các cặp vợ chồng trẻ
Tôi cũng đã nghe qua xu hướng trên và thấy xu hướng này khá hiện đại, phù hợp với các cặp vợ chồng trẻ khi họ tập trung phát triển sự nghiệp riêng.
Vợ chồng tôi cũng một phần nào đó giống với xu hướng trên. Thi thoảng, đi làm về mệt, tôi thường mua đồ ăn sẵn ở ngoài, về nhà chỉ việc bày biện và thưởng thức.
Như vậy tôi sẽ có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn. Tuy nhiên, đồ ăn ngoài không bao giờ đảm bảo sạch sẽ và an toàn như đồ ăn tự mình chế biến. Vì vậy, tôi vẫn luôn cố gắng “nhóm lửa” khu bếp nhà mình mỗi ngày để đảm bảo bữa ăn gia đình luôn sạch sẽ và đầy đủ dinh dưỡng.
Và nhiều khi trong tuần, tôi luôn chuẩn bị cơm trưa, cơm tối cho gia đình, và cuối tuần thì cùng gia đình đi ra ngoài ăn để hưởng trọn vẹn ngày nghỉ của mình.
Theo tôi xu hướng này không phải là tốt hay không tốt mà nó có phù hợp với mỗi gia đình hay không. Và với gia đình tôi, xu hướng này khá phù hợp tuỳ vào từng thời điểm.
Chị Hoàng Thu Lệ (26 tuổi, Yên Bái): Tiện lợi, nhanh gọn, mang lại những giá trị khác
Gia đình tôi hiện tại đang sống với đúng xu hướng trên. Cả hai vợ chồng tôi mỗi ngày đều bận rộn, người đi quay dựng, người đi dẫn, cơ hội được gặp nhau buổi tối là rất hiếm.
Vì muốn dành thời gian cho nhau nhiều hơn như khi đi làm về thay vì hì hục nấu cơm, chúng tôi sẽ trở nhau đi dạo phố hoặc đi tập thể dục, sau đó về nhà đặt đồ ăn, nhanh gọn, tiện lợi, các ứng dụng đặt hàng trực tuyến giúp vợ chồng tôi có thời gian tạo ra những giá trị khác cho nhau.
Đặc biệt đồ ăn trên mạng cũng đa dạng lựa chọn để khách hàng như mình lựa chọn. Món ăn được mọi người nấu và trình bày rất chuyên nghiệp, giao tận nơi rất cẩn thận.
Hơn nữa nếu tính ra chi phí so với nấu một bữa ăn tại nhà cũng giống nhau, có khi lại rẻ hơn mà tiết kiệm được nhiều thời gian hơn.
Và sau đó cứ gần đến cuối tuần là vợ chồng tôi lại nghĩ xem mai nấu món gì với nhau. Đây cũng chính là cách gắn kết vợ chồng với nhau. Nấu ăn trong tuần có thể khiến mọi người thấy khó chịu vì bận rộn, dễ nảy ra cãi vã.