Thời gian gần đay, nhiều doanh nghiệp không được cấp phép cho vay tiêu dùng nhưng vẫn tiến hành hoạt động cho vay; không ít doanh nghiệp tự áp đặt lãi suất và phí vay cao trái quy định.
Đặc biệt, tình trạng đòi nợ thuê núp bóng công ty luật, công ty mua bán nợ với các hình thức “khủng bố” người vay và người thân của người vay tiền, cưỡng đoạt tài sản, gây bức xúc, hoang mang trong nhân dân, tác động lớn đến trật tự, an toàn xã hội.
Chính vì vậy, nhiều ý kiến đưa ra cần phải thiết kế hành lang pháp lý theo hướng bảo vệ cả người đi vay và cho vay.
Tại tọa đàm “Thực trạng và giải pháp phát triển lành mạnh thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam” ngày 25.4, ông Phan Đức Hiếu – Ủy viên Thường trực Ủy ban kinh tế Quốc hội – cho biết, dự kiến Chính phủ sẽ trình Quốc hội Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) vào kỳ họp tháng 5.2023.
Theo ông Hiếu, Chính phủ nhận thức rất sâu sắc khi thiết kế “Chiến lược phát triển tài chính toàn diện” tầm nhìn đến 2025 và định hướng đến 2030 với nhiệm vụ chính là đảm bảo công bằng, toàn diện, bảo vệ lợi ích hợp pháp của cả người đi vay và cho vay. Vấn đề lớn nhất hiện nay là thi hành như thế nào.
Vị này cho rằng, có 3 vấn đề nổi lên: Thứ nhất là thiếu khung pháp lý; thứ hai là thực thi, nếu thực thi có hiệu quả quy định hiện hành sẽ giải quyết được phần lớn hiện trạng.
Và cuối cùng là sự công bằng – một môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch và hiệu quả cho các chủ thể khác nhau như tổ chức tín dụng, công ty tài chính và các tổ chức khác.
Ông Phan Đức Hiếu gợi ý, có nên hay không đưa ra một khung pháp lý dành riêng cho hoạt động vay tiêu dùng khi không thể áp dụng Luật các Tổ chức tín dụng đối với các công ty tài chính. Hay có nên gắn các quy định này tại Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Ngoài ra, vấn đề xử lý nợ cũng cần có quy định rõ ràng, nên là quy định xử lý nợ hay là xử lý nợ xấu.
Ông Nguyễn Đình Đức – Phó Tổng Giám đốc Công ty Tài chính TNHH HD Saison – cho rằng, trong cuộc làm việc mới đây, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo làm sao phát triển tài chính tiêu dùng, đẩy lùi tín dụng đen, cần đẩy mạnh cho vay tài chính tiêu dùng của công nhân.
Theo ông Đức, lợi thế của tín dụng đen là cho vay nhanh, đi sâu vào công nhân, cho vay những khoản vay nhỏ.
“Đời sống công nhân khó khăn, có nhu cầu vay tiền khi con ốm, phí điện, nước lúc chưa có lương… họ chỉ có con đường duy nhất là tín dụng đen.
Bởi lẽ khoản vay chỉ 2-3 triệu đồng, rất khó tìm tới tổ chức chính thống” – ông Đức nói và nhấn mạnh đó là lý do tại sao kể cả lãi suất cao thì tín dụng đen vẫn phát triển.
Chính vì vậy, để ngăn chặn công nhân tiếp xúc với tín dụng đen, nhiều công ty tài chính đang thiết kế gói vay cho riêng công nhân với lãi suất chỉ bằng 50% so với công ty tiêu dùng, nhằm cạnh tranh với tín dụng đen về cách thức cho vay, lãi suất.