Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần vừa ký văn bản số 2205/TB-TTKQH thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4.2023.
Để bảo đảm đủ điều kiện trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan có liên quan, nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Kinh tế, hoàn thiện hồ sơ dự án luật.
Trong đó, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển và quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản, thị trường quyền sử dụng đất; kiến tạo để phát triển thị trường trên cơ sở quản lý chặt chẽ, bảo đảm an toàn, lành mạnh, ổn định, vận hành thông suốt cho thị trường bất động sản và các thị trường liên quan như thị trường vốn, tiền tệ, tín dụng.
Cơ cấu lại thị trường bất động sản, sử dụng nguồn lực tiết kiệm, hiệu quả; xây dựng hệ thống thông tin thị trường bất động sản gắn với thông tin đất đai; bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Tăng cường thực hiện giao dịch không dùng tiền mặt trong giao dịch bất động sản.
Hoàn thiện quy định về điều tiết thị trường bất động sản để có quy định liên quan đến tái cấu trúc thị trường bất động sản, tái cấu trúc sản phẩm. Có quy định nhằm bảo đảm Nhà nước có biện pháp điều tiết khi có biến động lớn của thị trường bất động sản, thị trường phát triển quá “nóng” hoặc thị trường “đóng băng”, đình trệ ảnh hưởng đến các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội.
Rà soát phạm vi, đối tượng điều chỉnh và các quy định liên quan đến kinh doanh bất động sản bảo đảm hợp lý, bao quát các loại bất động sản được phép kinh doanh thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) nhưng không chồng lấn với các luật có liên quan.
Đánh giá kỹ tính hợp lý, khả thi của việc mở rộng phạm vi kinh doanh bất động sản đối với các tổ chức, cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản trong trường hợp do cơ quan, tổ chức phá sản, giải thể, chia tách; theo quyết định của tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo…
Hoàn thiện quy định về sàn giao dịch bất động sản, môi giới bất động sản, công chứng, bảo lãnh, đặt cọc, thanh toán trong giao dịch kinh doanh bất động sản… Bảo đảm phù hợp với chủ trương của Nghị quyết 18-NQ/TW, cụ thể, khả thi, an toàn pháp lý, không làm phát sinh “điểm nghẽn” về chính sách cản trở quá trình phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của thị trường bất động sản.
Quy định rõ địa vị pháp lý, điều kiện thành lập, nguyên tắc tổ chức, cơ chế hoạt động, nghĩa vụ của sàn giao dịch bất động sản để bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiệu quả của sàn giao dịch bất động sản. Bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, khuyến khích nhưng tôn trọng quyền lựa chọn tham gia giao dịch qua sàn giao dịch bất động sản của doanh nghiệp và người dân.
quy định rõ mối quan hệ giữa xác nhận giao dịch qua sàn với công chứng và đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; ràng buộc trách nhiệm của chủ đầu tư và sàn giao dịch bất động sản để bảo đảm quyền lợi cho người mua.
Nghiên cứu bổ sung quy định về chương trình đào tạo và bằng cấp, chứng chỉ đối với đào tạo bồi dưỡng kiến thức điều hành sàn giao dịch bất động sản.
Hoàn thiện quy định về quyền, nghĩa vụ, đào tạo, cấp chứng chỉ, thời hạn của chứng chỉ đối với hoạt động môi giới hướng tới chuyên nghiệp. Quy định điều kiện được hoạt động môi giới và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân hoạt động môi giới.
Quy định rõ mục đích, nội dung, phạm vi bảo lãnh để bảo đảm rõ ràng về quyền và nghĩa vụ, ràng buộc trách nhiệm của bên bảo lãnh, bên được bảo lãnh, bên nhận bảo lãnh; quy định chặt chẽ, bảo đảm chủ đầu tư sử dụng đúng mục đích vốn vay, vốn huy động của khách hàng.