Đóng ép cọc bê tông chiếm đất kênh rạch
Thời gian gần đây, trên địa bàn phường Long Phước, TP Thủ Đức, nhiều hộ dân bức xúc khi có một nhóm đi chiếm đất hành lang kênh rạch. Các đối tượng ngang nhiên vào một số khu đất để đóng cọc bê tông hoặc xây dựng hàng rào để chiếm dụng diện tích đất hành lang kênh rạch, thuộc sự quản lí của Nhà nước nên không thể hiện trong sổ đất của người dân.
Bà P.T.K.A (phường Long Phước, TP Thủ Đức), là chủ hai thửa đất số 40 và 41 tờ bản đồ 09 phường Long Phước và đã ủy quyền cho ông P.V.T trông coi và quản lí khu đất này.
Ngày 22.2.2023, ông T phát hiện nhiều đối tượng lạ mặt ngang nhiên vào cắm cọc trên ranh hai thửa đất hợp pháp của bà A. Tìm hiểu, ông T được biết nhóm người do ông D.T.N quản lí, nên đã gặp trực tiếp ông N yêu cầu dừng việc cắm cọc và ra khỏi đất nhưng nhóm ông N vẫn tiếp tục làm.
Ngày 28.2.2023, ông T cho người nhổ hết cọc mà nhóm ông N đã tự ý cắm và bố trí thêm người để trông coi khu đất. Tuy nhiên, phía ông N cho người đe dọa ông T.
Ngày 1.3.2023, khi ông T đang trông coi khu đất, thì nhóm ông N cho máy tới đóng cọc bê tông xuống khu vực đất thuộc hành lang bờ kênh rạch. Ông T phản đối thì nhóm người dừng lại, nhưng đến đêm khuya, các đối tượng này tiếp tục cho máy vào đóng cọc bê tông.
Sáng ngày 2.3.2023, khi ông T đến thì nhóm người của ông N đã ép 16 cọc bê tông dọc theo đường bờ kênh với chiều dài là 99,5m, chiều ngang tính từ bờ kênh rạch tới cọc bê tông là 5,5-6,5m. Tổng diện tích đất được các đối tượng này chiếm gần 600m2, đây là phần diện tích đất hành lang bờ kênh thuộc diện Nhà nước quản lí và không thể hiện trong sổ đỏ đất của bà A.
Sau khi đóng cọc bê tông, nếu chủ đất muốn được nhổ cọc đi thì phải bỏ tiền ra mua lại diện tích đất hành lang này từ các đối tượng với giá hàng tỉ đồng. Bức xúc trước hành động chiếm dụng đất hành lang kênh rạch trái phép, ông T đã làm đơn trình báo tới UBND TP Thủ Đức, hiện UBND TP Thủ Đức đã giao UBND phường Long Phước xác minh vụ việc.
Làm hàng rào chiếm dụng hành lang kênh rạch rồi rao bán
Không chỉ ông, gia đình ông P.N.L (ngụ phường Thảo Điền, thành phố Thủ Đức) có khu đất tại phường Long Phước, TP Thủ Đức có diện tích 3.500m2 với 100m mặt tiền chạy tiếp giáp với bờ sông và được gia đình ông san lấp làm hàng rào từ năm 2017. Khu đất nhà ông L được cấp sổ đỏ, đã sử dụng hợp pháp trong nhiều năm qua và không có tranh chấp với ai.
Thế nhưng đầu năm 2023, người trông coi đất của ông L đi vắng, nhiều đối tượng đã vào ranh khu đất của ông L để xây dựng hàng rào bằng tôn với chiều dài 100m và chiều ngang khoảng 8m tính từ bờ sông đến khu đất ông L.
Theo ông L, việc dựng hàng rào tôn này là do một nhóm đối tượng tự đứng ra thực hiện. Nếu ông L muốn “được yên” thì phải bỏ hàng tỉ đồng để “mua” lại. Tuy nhiên, diện tích đất này thuộc đất hành lang kênh rạch và do nhà nước quản lý, không thể hiện trong sổ đỏ và không thể mua bán được.
Sau khi lập hàng rào ngăn khu đất ông L thành 2 mảnh, một mảnh có chiều dài 100m, chiều ngang hơn 8m chạy dọc theo hành lang bờ kênh, các đối tượng đã giăng băng rôn rao bán và để lại số điện thoại liên lạc.
Chúng tôi gọi điện vào số điện thoại được đăng trên băng rôn rao bán đất thì được các đối tượng hẹn đến khu đất để xem và thương lượng giá cả. Khi chúng tôi đến, một nhóm khoảng 10 người đã có mặt tại khu đất ông L. Trong đó, có một người tự xưng là người đại diện đứng ra bán khu đất tính từ hàng rào vây tôn đến bờ kênh, với chiều dài khoảng 100m và chiều ngang 8m. Tổng diện tích đất bán là khoảng 800m2 với giá bán hơn 10 tỉ đồng, chưa có sổ đỏ và việc mua bán này chỉ viết giấy tay.
Quá trình tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy trường hợp của ông L cũng là trường hợp chung của nhiều hộ dân có đất nằm dọc theo kênh rạch trên địa bàn phường Long Phước, TP Thủ Đức. Theo đó, nhiều hộ dân có đất nằm dọc theo bờ kênh, trong đó có diện tích đất thuộc hành lang bào vệ kênh rạch nên không thể hiện trong sổ đỏ.
Lợi dụng vấn đề này, các đối tượng trong nhóm đã đứng ra chiếm dụng phần đất hành lang kênh rạch thuộc sự quản lí của Nhà nước. Sau đó, những hộ dân bị các đối tượng lấn chiếm yêu cầu muốn được tháo dỡ trụ bê tông hoặc hàng rào sắt thép thì phải bỏ ra hàng tỉ đồng để mua lại khu đất này, dù đây là đất hành lang kênh rạch do Nhà nước quản lí.