Xuất khẩu gặp khó
Theo Bộ Công Thương, nền kinh tế Việt Nam với độ mở lớn cũng đã đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ bối cảnh thế giới không thuận lợi. Tăng trưởng GDP quý I/2023 chỉ tăng 3,32% so với cùng kì năm trước. Nhiều địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng thấp hoặc giảm.
Ông Nguyễn Hồng Diên – Bộ trưởng Bộ Công Thương – nhấn mạnh: “Nhiều địa phương, trong đó có những địa phương được xem là đầu tàu, là động lực của nền kinh tế đất nước lại có mức độ tăng trưởng thấp như TP Hồ Chí Minh chỉ tăng 0,7%. Nếu chúng ta không kịp thời tìm những giải pháp để tháo gỡ thì khó có thể đạt được mục tiêu cho năm nay và cho cả chu kì 5 năm, 10 năm tiếp theo”.
Báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu cũng cho thấy, trong 3 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 2,2% so với cùng kì. Theo kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê, có khoảng 39% doanh nghiệp chế biến, chế tạo có khối lượng sản xuất, đơn hàng quý I giảm so với quý trước. Đơn hàng dệt may, da giày, đồ gỗ giảm khoảng 15-20%; giá trị xuất khẩu thuỷ sản giảm hơn 20%…
Xuất nhập khẩu 3 tháng đầu năm 2023 đều ghi nhận mức giảm so với cùng kì, đạt 79,3 tỉ USD, giảm 11,8%; kim ngạch nhập khẩu đạt 74,5 tỉ USD, giảm 15,4%. Xuất khẩu, nhập khẩu giảm ở cả khu vực doanh nghiệp trong nước và khu vực doanh nghiệp FDI.
Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng cho hay, thời gian qua, Việt Nam đã kí các Hiệp định thương mại song phương, đa phương nhằm thuận lợi hóa thương mại để thúc đẩy sản xuất trong nước. Tuy nhiên, một số nước phát triển đã dựng lên các rào cản kĩ thuật như chuỗi cung ứng khép kín, chuyển đổi năng lượng xanh sạch, sản xuất cacbon thấp…
Những chính sách này nghe có vẻ rất nhân văn nhưng đây là “luật chơi mới” trong cuộc đua không cân sức. Bởi vì, những nước phát triển đã đi trước và có điều kiện hơn chúng ta rất nhiều. Như vậy, các doanh nghiệp là những đối tượng chịu sự tác động nhất.
Doanh nghiệp đề xuất giảm lãi suất
Theo ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản giảm 27,5%, giảm tương đương giai đoạn dịch COVID-19 nặng nhất.
“Thị trường của chúng tôi là Châu Âu, Nhật Bản, thị trường Trung Quốc rất ít. Những đơn hàng kí hợp đồng đều bị đẩy lùi lại thời gian dẫn đến hàng bị tồn kho, tôm cá của bà con bị đình trệ, dòng tiền bị chững. Đến quý III/2023, khi kinh tế có dấu hiệu phục hồi thì chúng tôi lo ngại nguồn nguyên liệu không còn. Đồng thời, khi dòng tiền chậm về sẽ kéo theo nguồn vay của ngân hàng, trả tiền cho bà con cũng chậm” – ông Nguyễn Hoài Nam cho hay.
Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam cũng cho biết, các ngành xuất khẩu chủ yếu vay USD, trước đây lãi suất vay USD dưới 3%, khoảng 2,1-2,3% thì giờ đã lên đến trên 4%. Do đó, Hiệp hội cũng đề nghị Bộ Công Thương có ý kiến với Chính phủ và Ngân hàng nhà nước, giảm lãi suất vay xuống.
Đồng thời, Chính phủ cần có gói tín dụng khoảng 10.000 tỉ đồng lãi suất thấp để phục vụ thu mua nguyên liệu, kích thích tâm lý, để người dân duy trì việc sản xuất. Đây chỉ là giải pháp mang tính giai đoạn nhưng rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Đồng quan điểm, ông Trần Như Tùng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam – cũng cho biết, có những doanh nghiệp nhỏ giảm 40-50% do không có đơn hàng. Đối với các doanh nghiệp lớn hơn giảm khoảng 20-25%, do các doanh nghiệp lớn nhận hàng về xong chuyển về cho doanh nhỏ, khi thiếu hụt thì các doanh nghiệp này sẽ càng khó khăn.
Hiệp hội đề xuất Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài Chính, ngân hàng có thể cho ngành dệt may vay theo lãi suất thấp để có thể trả tiền cho người lao động. Trong dịch COVID-19, các doanh nghiệp ngành này đã được vay ưu đãi với lãi suất 0%.
Tương tự, theo ông Nguyễn Ngọc Nam – Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), dù đạt nhiều kết quả ấn tượng song hiệu quả mang lại cho doanh nghiệp, người dân chưa tương xứng. Các doanh nghiệp trong ngành chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên nguồn tài chính hạn chế, khi tới mùa vụ thường thiếu vốn để thu mua lúa gạo. Do đó, ngân hàng cần có cơ chế chính sách tín dụng cho ngành gạo.