Tiểu xảo và bạo lực
Vòng chung kết giải U19 Quốc gia 2023 đã khai màn vào chiều 22.4 trên sân vận động Tây Ninh. Ngay ở lượt trận thứ 2 vòng bảng chiều 24.4, người hâm mộ đã chứng kiến pha bóng bạo lực mang tính triệt hạ đối thủ của cầu thủ U19 Đà Nẵng.
Phút 74 trận đấu giữa U19 Tây Ninh và U19 Đà Nẵng, khi tỉ số đang là 2-0 nghiêng về đội chủ nhà. Trong một pha bóng tranh chấp ở đường biên, cầu thủ Mai Quốc Tú của U19 Đà Nẵng sau khi tránh được pha vào bóng của đối thủ đã trả đũa bằng hành vi đạp thẳng vào đầu đối phương.
Ngay lập tức cầu thủ cũng như ban huấn luyện hai đội lao vào để phản ứng, thậm chí lực lượng an ninh cũng đã phải vào sân để vãn hồi trật tự.
Cầu thủ của U19 Tây Ninh sau khi lĩnh trọn cú đạp của Quốc Tú vào đầu thì rời sân bằng cáng. Bản thân Quốc Tú phải nhận thẻ đỏ trực tiếp vì hành vi bạo lực của mình.
Rất có thể, hành vi mang tính triệt hạ này sẽ khiến Quốc Tú nhận thêm án phạt nguội từ Ban kỷ luật Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF).
Trước đó, khi tác nghiệp trực tiếp trên sân ở giải đấu này, Bình luận viên Trí Viễn của Truyền hình FPT đã phải ca thán trên trang cá nhân rằng: “Các trận đấu thường bị gãy vụn vì quá nhiều tiểu xảo thay vì những pha trình diễn kĩ thuật hay ban bật đẹp mắt.
Các cháu rất dày kinh nghiệm khi quẹt nhẹ cũng ngã, khi tỉ số đang hoà thì tiêu chí câu giờ được đặt lên ngay trong hiệp 1”.
Rõ ràng, bóng đá trẻ đòi hỏi sự cống hiến, những màn trình diễn đầy nhiệt huyết của các cầu thủ. Ấy vậy mà giờ đây, tiểu xảo và bạo lực lại đang len lỏi vào từng trận đấu ở các giải trẻ, khiến những người làm bóng đá cần phải suy ngẫm lại..
Vết gợn buồn của giải đấu
Trao đổi với Lao Động, nhiều chuyên gia, huấn luyện viên các lứa trẻ đều có nhìn nhận về tầm quan trọng ở giải đấu giành cho lứa tuổi U19.
Trong số các giải trẻ như U13, U15, U17, U19 và U21 thì giải U19 đóng vai trò như một sự chuyển giao của các cầu thủ.
“Giải U19 là sự chuyển giao rõ rệt giữa hai môi trường là bóng đá trẻ và tiệm cận lên chuyên nghiệp. Bởi giải U19 chính là bệ phóng để các cầu thủ trẻ thể hiện mình, qua đó có cơ hội bước vào sân chơi chuyên nghiệp như V.League hay hạng Nhất.
Đây được xem là giải đấu cực kì quan trọng trọng trong hệ thống giải dành cho các lứa U của bóng đá Việt Nam”, một huấn luyện viên từng dẫn dắt đội U19 trao đổi với Lao Động.
Quan trọng là thế, nhưng ngoài mặt tích cực là các cầu thủ luôn cố gắng thể hiện mình, thì vẫn có đó những tiểu xảo, những hành vi bạo lực đáng bị lên án và cần có những chế tài, án kỷ luật thật sự nghiêm và thích đáng.
Bóng đá trẻ là nơi tôn vinh sự vô tư, trong sáng để các cầu thủ phô diễn kĩ năng đã được rèn giũa của mình qua từng năm tháng ăn tập, chứ không phải là giải đấu đặt nặng vấn đề thành tích để xuất hiện những chiến thuật mang tính tiêu cực được truyền đi từ cabin huấn luyện.
Hay cũng không nên là những tiểu xảo, là những cái đầu nóng và những đôi chân sẵn sàng triệt hạ nhau trên sân chỉ vì những va chạm vốn dĩ là… bình thường trong bóng đá.
Mới đây thôi, tại một giải bóng đá phong trào tại TPHCM, cựu tuyển thủ quốc gia Đoàn Việt Cường, đã kịp thời sơ cứu cho cầu thủ đối phương bị co giật rồi bất tỉnh trên sân.
Không ngại nguy hiểm, nhà vô địch AFF Cup 2008 đã dùng tay mình ngáng miệng nạn nhân để cầu thủ này không cắn hay nuốt lưỡi. May mắn, cầu thủ này được lực lượng y tế sau đó có mặt và đưa đến bệnh viện cấp cứu và cũng đã hồi phục.
Bóng đá vốn đẹp đẽ là thế, dù là sân chuyên hay phong trào. Nhưng xem lại những thước phim quay chậm hành vi đạp thẳng vào đầu đối thủ của cầu thủ U19 Đà Nẵng, thì đây hẳn là một vết gợn với bóng đá trẻ.