Theo ghi nhận của PV Lao Động, tại nhiều tuyến phố tập trung các tòa nhà văn phòng cho thuê ở TP Hà Nội đang quá tải lượng phương tiện và thiếu bãi đỗ xe trầm trọng. Gần như toàn bộ vỉa hè, lòng đường trên các tuyến phố này đều đang bị xâm chiếm từ mặt phố đến trong ngõ và chưa có giải pháp để xử lí dứt điểm.
Là nơi tập trung nhiều tòa nhà văn phòng dày đặc, tuyến phố Duy Tân (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) ngày càng co hẹp diện tích khi hàng loạt phương tiện ôtô ngang nhiên xếp thành hàng 2, hàng 3, nuốt trọn vỉa hè và tràn xuống lòng đường. Đáng chú ý, nhiều điểm khai thác chỗ đỗ xe này gần đây còn “thổi giá” từ 20.000 nghìn đồng lên 50.000 đồng/xe/buổi nhưng nhiều người vẫn phải chấp nhận vì hầu hết hầm gửi xe tại tòa nhà, chung cư đều đã quá tải.
Chỉ cách đó khoảng 200m, tại ngõ 78 (phố Duy Tân, quận Cầu Giấy), một số tòa nhà, văn phòng công ty còn treo biển trên vỉa hè để phân chia “chủ quyền”, nơi dừng đỗ ôtô.
Dù hầm tòa nhà quá tải và phải đỗ xe tràn lan ra vỉa hè, thế nhưng ông K.T (người trông coi xe trên phố Duy Tân) sẵn sàng nhận trông xe nếu khách hàng có nhu cầu.
“Nếu gửi xe ôtô từ 4 -7 chỗ ngồi thì mức phí sẽ dao động hơn 1 triệu đồng, người gửi cần xuất hoá đơn thì mức phí sẽ rơi vào khoảng 1,2 triệu đồng/tháng” – ông K.T nói.
Tương tự, trên tuyến phố Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân), nhiều vỉa hè cũng đang bị lấn chiếm, sử dụng làm nơi đỗ xe. Ông Nguyễn Văn Hòa (SN 1960, sinh sống trên đường Lê Văn Lương) chia sẻ, vỉa hè đã trở thành nơi đỗ xe nên người dân sinh sống tại đây phải chấp nhận đi bộ xuống lòng đường rất nguy hiểm.
Theo ông Hòa, cả tuyến đường dài dày đặc, phương tiện giao thông dừng đỗ tràn lan đã tạo nên hình ảnh lộn xộn, gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông.
Nhiều tòa nhà văn phòng, chung cư tại TP Hà Nội gần đây phải tận dụng vỉa hè, lòng đường để làm bãi đỗ xe. Điều này không chỉ gây ra tình trạng mất an ninh trật tự, an toàn giao thông mà còn khiến bộ mặt đô thị lộn xộn, nhếch nhác.
TS Nguyễn Xuân Thủy – chuyên gia giao thông, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông Vận tải – nhận định, nguồn lợi từ hoạt động kinh tế trên vỉa hè rất lớn. Lí giải nguyên nhân vì sao chiến dịch giành vỉa hè lại cho người đi bộ chưa hiệu quả, TS Nguyễn Xuân Thủy nhận định, các đợt kiểm tra, giám sát chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn giống như việc bắt cóc bỏ đĩa, đuổi chỗ này thì họ sang chỗ khác.
Muốn dẹp được nạn xâm lấn vỉa hè, chuyên gia nhấn mạnh cần phải có sự vào cuộc, thống nhất từ trên xuống dưới, thực hiện kiên trì, liên tục chứ không phải ra quân vài đợt rồi bỏ. Cơ quan chức năng cũng cần tính toán các phương án xây dựng bãi trông giữ xe phù hợp thay vì chỉ biết đuổi.